Theo đánh giá của các cơ quan
chức năng của tỉnh, người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp,
có chiều hướng gia tăng. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người nghiện ma túy trong
giới trẻ khá cao. Trong khi đó tác hại của ma túy rất nghiêm trọng, không chỉ hủy
hoại sức khỏe, trí tuệ của nhiều người mà còn là nguyên nhân của rất nhiều loại
tội phạm khác nhau.
Do đó, một trong những giải pháp quan trọng để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy là cần làm tốt công tác cai nghiện và có những chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho những người nghiện sau cai để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Bác sĩ Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Thống Nhất, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 9 và Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy cộng đồng tập trung H.Thống Nhất không chỉ khám, điều trị mà còn dành thời gian trao đổi để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người điều trị cai nghiện
Triển khai tốt công tác cai nghiện
Trước thực trạng quá tải và xuống cấp của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cũ (đóng tại xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc), tháng 8-2020, Đồng Nai đã đưa vào sử dụng Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh mới (đóng tại xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) với quy mô tiếp nhận 1 ngàn học viên, diện tích xây dựng gần 20ha trong khuôn viên hơn 45ha với mức đầu tư gần 3 ngàn tỷ đồng bao gồm các hạng mục: khu hành chính, khu quản lý học viên, khu thăm gặp, nhà ăn, khu y tế, dạy học…
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, cơ sở đã nhận mới hơn 310 đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, nâng tổng số học viên quản lý là gần 1,2 ngàn lượt người. Gần một năm chuyển qua “ngôi nhà” mới giúp các học viên có không gian sinh hoạt, điều trị và lao động rộng rãi, thoáng mát hơn nên luôn phối hợp tốt với nhân viên y tế trong điều trị cắt cơn nghiện. Từ đầu năm 2021 đến nay, cơ sở cũng đã giải quyết cho hơn 220 đối tượng chấp hành tốt về trước thời hạn và đúng hạn, tái hòa nhập cộng đồng.
Để giúp người nghiện sớm phục hồi sức khỏe, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận, phân loại, lên phác đồ điều trị cắt cơn cho toàn bộ học viên nhập mới, lập hồ sơ bệnh án theo dõi quá trình điều trị, duy trì việc tổ chức khám chữa bệnh hàng ngày cho học viên và xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, chuyển tuyến. Bên cạnh đó, việc cho học viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và lao động trị liệu là giải pháp hữu hiệu giúp học viên phục hồi sức khỏe và cai nghiện thành công.
Trước thực trạng người nghiện ma túy trong cộng đồng còn nhiều, thời gian tới, bên cạnh đầu tư cho cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tập trung, Đồng Nai cũng sẽ tiếp tục đa dạng các loại hình cai nghiện tại cộng đồng.
Theo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh (Sở LĐ-TBXH) cho biết, thời gian tới chi cục sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức hoạt động có hiệu quả 6 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng cấp huyện và 116 điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng cấp xã; thành lập, đi vào hoạt động thêm 2 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng cấp huyện ở Long Thành, Tân Phú và thành lập thêm 54 điểm hỗ trợ, tư vấn tại cấp xã; mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác tư vấn, hỗ trợ, cai nghiện tại cộng đồng và hỗ trợ người sau cai tìm được việc làm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Đến nay, 6 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng cũng đã tổ chức tiếp nhận, cắt cơn cho 21 người và tư vấn cho gần 650 người tại 116 điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng cấp xã.
Quan tâm hỗ trợ việc làm
Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, một vấn đề cần phải quan tâm đó là công tác quản lý người nghiện và giải quyết việc làm cho người nghiện sau cai. Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Đình Thanh, Trưởng phòng 1, Viện KSND tỉnh cho rằng, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài. Vì phải quản lý tốt người nghiện mới tránh tính trạng tái nghiện, phát sinh người nghiện mới trong cộng đồng.
“Để làm tốt vấn đề này, các cơ quan, ban, ngành cần phải phối hợp quản lý chặt người nghiện. Chính quyền các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc rà soát, thống kê, phân loại người người tại địa bàn để có biện pháp quản lý, theo dõi. Bên cạnh đó, một vấn đề khá quan trọng đó là các địa phương phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghiện sau cai có việc làm ổn định sớm tái hòa nhập cộng đồng”.
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết, bên cạnh việc điều trị cắt cơn nghiện, các học viên cai nghiện còn tham gia lao động, sản xuất như: trồng rau, nuôi cá, nuôi gà, cắt tràm hom, gia công hạt điều, chăm sóc rừng trồng… vừa để cung cấp thực phẩm tươi sống cho bếp ăn học viên vừa giúp học viên lao động quên đi cảm giác thèm nhớ ma túy, có thêm kỹ năng để tham gia lao động sau khi trở về địa phương.
Ngoài ra để giúp các học viên sau khi cai nghiện trở về có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, không tái nghiện, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã phối hợp với một số trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP.Long Khánh tổ chức khai giảng 4 lớp dạy nghề như: chăn nuôi thú y (35 học viên), điện dân dụng (35 học viên), kỹ thuật nấu ăn (35 học viên), kỹ thuật may (32 học viên); phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các phòng, ban của Sở LĐ-TB&XH tổ chức tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho gần 200 học viên. Nhờ đó, các học viên sau khi cai nghiện sẽ có tay nghề và biết lựa chọn công việc phù hợp với mình.
Anh T.M.Đ. (26 tuổi, ngụ H.Định Quán), học viên cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết, anh đã vào cai nghiện được gần 2 năm và sắp được về nhà nên tâm trạng rất háo hức và phấn khởi. Trong thời gian cai nghiện tại cơ sở, anh đã tham gia học lớp dạy nghề chăn nuôi thú y. Gia đình anh có rẫy và ao cá. Khi về nhà anh sẽ áp dụng kiến thức, kỹ năng được học để tham gia làm kinh tế phụ giúp gia đình, làm lại cuộc đời.
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, trong thời gian tới, ngoài việc mở các lớp đào tạo nghề, tổ chức hướng nghiệp cho các học viên cai nghiện bắt buộc trong Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, chi cục cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để có hướng dạy nghề và giới thiệu việc làm phù hợp cho những người nghiện sau cai. Điều này góp phần giúp người nghiện sớm từ bỏ được ma túy, có việc làm, thu nhập ổn định để lo cho bản thân và gia đình.
Tùng Dương - Nhật Minh
Theo Sở LĐ-TB&XH, tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh gần 5 ngàn người (tăng hơn 500 người so với cùng kỳ năm 2020), đó là chưa kể số người nghiện thực tế chưa có hồ sơ quản lý ngoài xã hội. Trong đó, người nghiện ở độ tuổi từ 16-30 tuổi chiếm hơn 50% và heroin, ma túy tổng hợp là các loại ma túy phổ biến của người nghiện.
Theo Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện (bắt buộc, tự nguyện, cai nghiện tại gia đình cộng đồng) cho gần 1,1 ngàn người (tăng hơn 650 người so với cùng kỳ năm 2020); tổ chức quản lý sau cai cho gần 150 người; tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 60 người; tư vấn hướng nghiệp cho gần 200 học viên tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập