Xuất khẩu trái cây giảm mạnh

Thứ hai - 27/09/2021 16:33
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Vài tháng trở lại đây, xuất khẩu trái cây tươi gặp nhiều khó khăn, thậm chí thậm chí bị đình đốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng trái cây chủ lực của Đồng Nai như: mít, xoài, thanh long, chuối...rơi vào cảnh rớt giá, tồn hàng.

Đặc biệt, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc tăng cường kiểm dịch trái cây Việt Nam, thậm chí có thời điểm tạm ngừng nhập khẩu một số loại trái cây do phát hiện trên bao bì bọc trái và thùng carton đựng hàng dương tính với SARS-CoV-2.

z2795972172399_945f571b0fa704b8513f3cc9f7841772.jpg?t=1752456061
Chuối cấy mô của nông dân xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) sắp vào vụ thu hoạch đang lo xuất khẩu khó khăn. Ảnh: Phan Anh

Trái cây xuất khẩu dội chợ

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong tháng 8 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8-2020 và giảm 22% so với tháng 7-2021. Trong đó, mặt hàng rau quả tươi thu hoạch có tính thời vụ với sản lượng lớn bị ảnh hưởng nặng nề từ nhiều tháng nay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, từ tháng 4 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc liên tục giảm với trung bình 15%/tháng. Nếu như trước đây 1 xe lạnh chở thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây chỉ mất 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần làm chi phí vận chuyển tăng cao gấp đôi từ 50 triệu/xe tăng lên hơn 100 triệu/xe.

Đây cũng là nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay, nhiều loại cây ăn trái với diện tích trồng lớn, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu trên địa bàn tỉnh như: chuối, mít, thanh long, xoài… đều rơi vào cảnh khó khăn về đầu ra khi vào vụ thu hoạch xuất khẩu bị đình đốn bởi dịch Covid-19.

Ông Đoàn Trung Ngọc, vựa thu mua, đóng gói thanh long xuất khẩu tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) cho biết: “Vài tháng trở lại đây, giá thanh long luôn ở mức thấp, có thời điểm giá bán như cho nhưng vẫn khó tìm được thương lái thu mua vì hầu như không đóng hàng xuất khẩu được”.

Theo các thương lái kinh doanh mặt hàng trái cây xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến nhiều loại trái cây xuất khẩu thường đứng ở mức giá cao rơi vào cảnh rớt giá, khó tiêu thụ. Theo đó, từ đầu năm đến nay, nhiều vùng sản xuất rơi vào cảnh xoài chín rụng đầy gốc không có người mua, mít bán chỉ một vài ngàn đồng/kg...

1xu27921d.jpg?t=1752456061
Trái mít Thái siêu sớm đang có giá vài chục ngàn đồng/kg giảm xuống vài ngàn đồng/kg vì xuất khẩu gặp khó (Chụp tại nhà vườn huyện Định Quán. Ảnh: Phan Anh).

Rủi ro xuất khẩu tiểu ngạch

Vừa qua, trái thanh long nói riêng, nhiều mặt hàng trái cây tươi nói chung đang rơi vào cảnh bị ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc. Tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid – 19 diễn ra vào sáng ngày 13-9, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, từ tháng 7 năm 2021 đến nay, xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng trái cây tươi có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh, trong đó chủ yếu do ảnh hưởng vì giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cụ thể, thời gian qua, toàn tỉnh chỉ có 4/12 cửa khẩu đang hoạt động nên hạn chế khối lượng hàng hóa thông quan. Theo đó, một số loại trái cây tươi, đặc biệt là trái thanh long xảy ra tình trạng bị ùn ứ. “Trái cây, nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu chủ yếu không có hợp đồng thương mại nên dễ bị ép giá, tiềm ẩn nhiều rủi ro” – ông Thiệu nói.

Dù các bộ, ngành, địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc, thông tin mới nhất là Trung Quốc đã mở lại các cửa khẩu tại Vân Nam cho chuối, thanh long Việt Nam. Nhưng những sự việc tương tự như vậy còn tiếp tục xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam cũng như bản thân các doanh nghiệp.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của nhiều mặt hàng rau, trái cây nhưng nhiều loại nông sản chủ lực, có lợi thế vẫn chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch, mở cửa thị trường về kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, manh mún thông qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới” với nhiều rủi ro.

                                                                                                Phan Anh

Ngày 21-9, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nội dung chỉ thị yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công tác đàm phán, quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây