Đa dạng hóa sản phẩm từ cây tre là giải pháp mà dự án Hồn tre Việt của chị Trần Thị Thủy (TP.Biên Hòa) đang thực hiện để phát triển thương hiệu, nâng chất cho sản phẩm được làm bằng tre.
Sau vài năm khởi nghiệp, thương hiệu Happy Bamboo straws của Công ty TNHH Đường Nhạc do chị làm chủ đã được thị trường trong nước và một số khách hàng quốc tế ưa chuộng.
Chị Thuỷ bên các sản phẩm từ tre do mình sản xuất
Nâng giá trị cho tre Việt
Trước đây, gia đình chị Thủy vốn có nghề làm sáo trúc và bán nguyên liệu tre nứa cho các nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc, những người đam mê sáo trúc. Chồng chị biết thổi sáo từ thời sinh viên và được mọi người nhờ làm sáo giúp, rồi sau đó nhiều người hỏi mua, dần dần có số lượng lớn cung cấp sỉ cho nhiều cửa hàng nhạc cụ và giảng viên trường nhạc.
Khi thấy nhà có rất nhiều ống tre nứa đủ kích thước, chủng loại, chị Thủy nghĩ nếu chỉ sản xuất sáo trúc thì sẽ không tận dụng hết được giá trị của tre. Vì thế, chị lựa chọn sản xuất thêm sản phẩm ống hút từ tre do việc chế tác tương đối giống với làm sáo. Năm 2018, vợ chồng chị Thủy bắt đầu dự án Hồn tre Việt với thương hiệu Happy Bamboo straws. Công ty TNHH Đường Nhạc do vợ chồng chị làm chủ được thành lập.
Tuy nhiên, việc bắt đầu với ống hút tre gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm từ tre không phổ biến trên thị trường. Là sản phẩm mới, vợ chồng chị phải tự mày mò, nghiên cứu phương thức sản xuất phù hợp nhất. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm trong và ngoài nước cũng không dễ dàng, nhất là khó khăn trong quá trình gửi hàng đi nước ngoài vì cước phí vận chuyển khá cao. Nỗ lực nhiều thì cũng có kết quả. Sau khi ống hút tre được thị trường trong và ngoài nước biết đến, khách hàng rất thích thú. Họ bắt đầu tìm kiếm và yêu cầu sản xuất các sản phẩm khác từ tre. Nhận thấy vật liệu truyền thống của Việt Nam rất được yêu thích nên công ty phát triển sản xuất thêm nhiều sản phẩm tre khác như: cốc tre, bình giữ nhiệt bằng vỏ tre, bút tre, hộp đựng trà từ tre... và những sản phẩm từ tre theo yêu cầu của khách hàng.
Tạo công ăn việc làm cho người yếu thế
Đơn đặt hàng nhiều, chị Thủy mở rộng quy mô sản xuất và tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động tại xưởng. Điều đặc biệt, doanh nghiệp (DN) nhỏ này rất quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Tại xưởng của chị, có lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Không chỉ tạo việc làm tại chỗ, mà chị Thủy còn đặt may các sản phẩm bao bì như túi vải đựng ống hút từ cơ sở của những người khuyết tật ở Hà Nội. Chị đặt may túi vải bố tái chế từ những người dân tộc thiểu số ở vùng Măng Đen, tỉnh Kon Tum, góp phần tạo việc làm cho họ để giảm tình trạng chặt phá rừng. Ngoài ra, có nhiều lao động thời vụ là phụ nữ không có việc làm, phụ nữ đã nghỉ hưu ở địa phương cũng tham gia làm việc tại xưởng.
Hiện việc sản xuất của DN gặp khó khăn, doanh thu giảm do công ty cho nhân viên nghỉ để phòng, chống dịch kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, chị Thủy vẫn đang tích cực xây dựng bài bản kênh bán hàng online để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, chờ khi sản xuất được mở cửa sẽ tăng tốc trở lại phục vụ khách hàng.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập