(CTT-Đồng Nai) Thời gian qua, nhiều đối tượng lừa đảo đã đăng tải thông tin tuyển dụng trên mạng, hội nhóm hoặc bằng tờ rơi với lời giới thiệu việc làm hấp dẫn để thu hút lao động vào tìm việc. Theo đó, khá đông người lao động (NLĐ) đã dính “bẫy” và bị mất khoản tiền lớn nhưng việc làm không có.
Đây là lời cảnh báo đối với NLĐ khi tin tưởng vào các thông báo tuyển dụng việc nhẹ, lương cao.

Người lao động nên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để tìm việc ổn định
Người lao động nên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để tìm việc ổn định
Điệp khúc việc nhẹ, lương cao
Hiện nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, mọi thứ đều có thể xuất hiện trên app, website. Theo đó, nhiều hình thức giới thiệu việc làm cho NLĐ bằng cách yêu cầu tải các app để tham gia các hội nhóm việc làm. Với lời hứa công việc đơn giản, chỉ cần ngồi ở nhà, vào link quảng cáo sản phẩm của công ty bấm like, chia sẻ và chụp màn hình gửi vào nhóm để xác nhận. Cứ xong “một ca” làm việc đơn giản như vậy, lao động được trả công từ 80-100 ngàn đồng. Đây là hình thức khiến rất nhiều lao động bị lừa đảo, song thực tế không có công việc đơn giản nào chỉ ngồi bấm like để có tiền.
Thủ đoạn giới thiệu việc làm này là, NLĐ được giới thiệu tải ứng dụng Telegram sẽ được đưa vào một nhóm với nhiều thành viên để hỗ trợ công việc. Chị T.M.T. (quê tỉnh Hà Tĩnh), từng là nạn nhân của hình thức xin việc này cho hay, mấy ngày đầu, NLĐ được nhận lương đầy đủ để tạo sự tin tưởng. Những ngày sau, NLĐ nhận được yêu cầu nâng cấp công việc bằng cách bỏ vốn và nhận 20% hoa hồng. Kèm theo đó là hình ảnh chụp màn hình tài khoản của các đối tượng lừa đảo về số tiền hoa hồng cao để dụ NLĐ. Nếu NLĐ không thực hiện hoặc sau khi bị chiếm đoạt một khoản tiền sẽ bị các đối tượng thoát ra khỏi nhóm.
Chị N.T.L. (38 tuổi, ngụ tại P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) vừa đến sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai xin việc làm mới sau 5 tháng thất nghiệp. Chị L cho hay, cuối tháng 10-2023, vì chưa biết đến sàn giao dịch việc làm nên chị L. lên mạng tìm việc và được hướng dẫn kết bạn Zalo để trao đổi công việc. Sau đó, chị L. được gửi link để đăng nhập thông tin, địa chỉ và mất phí 300 ngàn đồng làm hồ sơ và 1 triệu đồng để bố trí việc làm nhanh. Sau 2 lần chuyển khoản, chị L. bị chặn luôn Zalo và không thể liên lạc với người tuyển.
Theo chị L., do nóng lòng tìm việc nên khi thấy thông tin tuyển dụng hấp dẫn, công việc chỉ đóng gói bưu phẩm, phù hợp với mình nên chị đã vội gọi điện thoại cho người đăng tuyển dụng. Người tuyển việc giới thiệu tên Trang, trưởng phòng nhân sự, có giọng nói rất dễ. “Quá trình trao đổi công việc, mình khó phát hiện đó là lừa đảo, vì họ nhắn tin rất nhiệt tình, kèm nhiều hình ảnh, giấy chứng nhận công ty. Tôi mong mọi người cảnh giác với chiêu giới thiệu việc làm trên mạng” - chị L. chia sẻ.
Nên đến địa chỉ tìm việc tin cậy
Thời gian qua, nhiều NLĐ phản ánh trên các trang Facebook về việc mình bị lừa khi tìm việc làm trên mạng. Cụ thể như bán mỹ phẩm, chia sẻ bài đăng có lương, hoặc đăng nhập vào các phần mềm hội nhóm bán hàng đa cấp..., NLĐ buộc phải mua và dùng thử sản phẩm trải nghiệm với giá cao, sau đó được cung cấp sản phẩm bán và hưởng hoa hồng 20-30%. Một vài ngày đầu, những kẻ lừa đảo đóng vai người mua hàng để tạo lòng tin với NLĐ. Sau đó, NLĐ bị dụ nộp thêm tiền để trở thành “đại diện chính thức” của công ty. Cứ nghĩ thu nhập dễ kiếm, nhưng thực tế sau khi tiền mất, NLĐ lại uất ức vì ôm đống hàng hóa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Theo kinh nghiệm của những nhân viên nhân sự lâu năm, để nhận biết bẫy lừa đảo việc làm, NLĐ cần hết sức cẩn trọng nếu như: thông tin công ty và công việc không rõ ràng; thông tin tuyển dụng sơ sài, luôn có lời chào mời hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao, đi làm ngay hoặc không yêu cầu kinh nghiệm, không cần thử việc và yêu cầu đóng tiền trước, hưởng lợi sau.
Để kết nối NLĐ với doanh nghiệp (DN), Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tổ chức các sàn giao dịch việc làm hàng tháng, tạo điều kiện cho NLĐ đến tìm việc làm, phỏng vấn trực tiếp với DN. Song qua theo dõi, những sàn việc làm gần đây rất ít NLĐ tham gia sàn tìm việc. Đa số NLĐ đến rút bảo hiểm thất nghiệp và tìm việc làm tự do bên ngoài. Việc tìm việc làm tự do bằng các thông tin tuyển dụng không được kiểm chứng cũng khiến nhiều NLĐ dễ rơi vào các bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 67 ngàn, tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, trung tâm đã tư vấn việc làm cho hơn 77 ngàn lượt NLĐ, giới thiệu việc làm cho hơn 8 ngàn lao động. Ngoài ra, kết nối cho hàng ngàn lao động thất nghiệp đến làm việc tại các DN có nhu cầu tuyển dụng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai lưu ý, NLĐ nếu có nhu cầu tìm việc thì cần tìm đến những địa chỉ uy tín hoặc tham gia các sàn giao dịch việc làm để tìm được công việc phù hợp và ổn định.
Để tìm việc làm chính thống, NLĐ cần đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) hoặc truy cập vào trang web http://vieclamdongnai.gov.vn/ để tìm việc. Thông tin tuyển dụng các DN được trung tâm cập nhật thường xuyên để NLĐ tìm được công việc phù hợp.