(CTT-Đồng Nai) - Thực hiện chương trình hợp tác giữa Bảo tàng Đồng Nai và Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), năm 2023 Viện Khảo cổ học đã tiến hành điều tra các di tích tại địa bàn 3 huyện Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất. Chiều 18-12, Viện Khảo cổ học đã báo cáo sơ bộ kết quả điều tra các di tích khảo cổ học tại các huyện nêu trên.

PGS-TS Bùi Văn Liêm, Viện khảo cổ học trình bày báo cáo sơ bộ kết quả điều tra các di tích khảo cổ học vùng Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất
PGS-TS Bùi Văn Liêm, Viện khảo cổ học trình bày báo cáo sơ bộ kết quả điều tra các di tích khảo cổ học vùng Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất
Theo đó, Viện Khảo cổ học đã có nhiều kiến nghị đối với công tác khảo cổ trên địa bàn, gồm: Khai quật di tích Đà Mý (Tân Phú) để xác định bình đồ và kiến trúc của di tích; đổi tên di tích La Ngà thành Đồi Du Lịch để dễ xác định vị trí di tích; Mở hố thăm dò để kiểm tra địa tầng tại Đồi Du Lịch và Đồi Bà Hai Công (xã La Ngà, H.Định Quán) vào mùa khô; khảo sát mở rộng và thăm dò di tích Mít Nài (xã La Ngà, H.Định Quán); mở hố thăm dò để kiểm tra địa tầng di tích Phú Lợi (H.Định Quán) - nơi phát hiện 5 thanh đàn đá; khảo sát mở rộng và mở hố thăm dò di tích Đa Tôn (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú); mở hố thăm dò để xác định lại phạm vi phân bố của di tích Phú Lộc (xã Trà Cổ, H.Tân Phú) giai đoạn Kim khí và khảo sát mở rộng xung quanh di tích để tìm dấu tích tháp gạch giai đoạn thế kỷ VI-VIII.

Đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên phát biểu ý kiến về khả năng nghiên cứu khảo cổ học tại các di tích nằm trong địa bàn Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý
Đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên phát biểu ý kiến về khả năng nghiên cứu khảo cổ học tại các di tích nằm trong địa bàn Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý
Đối với hệ thống di tích kiến trúc dọc thượng nguồn sông Đồng Nai, nên sử dụng phương pháp bay chụp Ladar để xác định các điểm đồi cao, sau đó tiến hành khảo sát thì khả năng cao sẽ tìm được các cụm di tích mới; kiểm tra và lập tọa độ chính xác cho các di tích (lập hệ thống GIS cho di tích) vì nhiều di tích hiện không đúng tọa độ dẫn đến khó tìm; khoanh vùng bảo vệ các di tích còn khả năng nghiên cứu trước khi bị phá hủy hoàn toàn.