(CTT-Đồng Nai) - Từ một huyện nông nghiệp với ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất, đến nay, huyện Trảng Bom đã chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Đến nay, huyện có 4 Khu công nghiệp tập trung đang hoạt động thu hút gần 185 dự án FDI. Ngoài ra, còn có 4 Cụm công nghiệp địa phương và 1 Cụm nghề được quy hoạch đầu tư, trong đó có 1 Cụm Vật liệu xây dựng Hố Nai 3 đã đi vào hoạt động ổn định.

Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom
Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
Thông tin từ UBND huyện Trảng Bom, các khu công nghiệp và 1 Cụm công nghiệp địa phương đi vào hoạt động đã tạo ra nguồn ngân sách lớn cho huyện. Đồng thời, thu hút gần 112 ngàn công nhân là người của địa phương và từ nơi khác đến làm việc, tạo ra nguồn nhân lực dồi dào cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên các tiềm lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Công nghiệp - xây dựng được xác định là lĩnh vực chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, những năm qua, lãnh đạo UBND huyện luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn phối hợp, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách khuyến công; phối hợp thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng và mở rộng các Khu-Cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn huyện nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Nếu năm 2004 trên địa bàn huyện Trảng Bom có 3 khu công nghiệp với 85 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký 774,2 triệu USD thu hút 16.580 lao động thì đến nay trên huyện đã có 4 Khu công nghiệp tập trung đang hoạt động thu hút 223 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 3,417 tỷ USD, trong đó đã có 185 dự án được triển khai thực hiện với số vốn đầu tư là 2,559 tỷ USD.
Sau 20 năm phát triển, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng năm sau luôn cao hơn năm trước và có tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2004-2024 là 17,57%/năm (giá so sánh 2010). Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân có mức tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 17,97%/năm, năm 2022 giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt hơn 138 ngàn tỷ đồng, gấp 19,6 lần so với năm 2004. Tỷ trọng công nghiệp địa phương tăng dần qua các năm, từ 4,93% năm 2004 đến năm 2022 lên 9,5%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 90,5%, là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất quyết định sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trên địa bàn.

Thác Đá Hàn đã và đang là địa điểm du lịch lý tưởng trên địa bàn huyện Trảng Bom
Thác Đá Hàn đã và đang là địa điểm du lịch lý tưởng trên địa bàn huyện Trảng Bom
Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ
Giá trị sản xuất khu vực dịch vụ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2004-2022 đạt 17,54%/năm, năm 2022 giá trị ngành dịch vụ đạt 24,8 ngàn tỷ đồng, gấp 18,4 lần so với năm 2004. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 20,9%/năm, tăng hơn 27 lần so với năm 2004.
Tích cực kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại, đến nay Trung tâm Thương mại Vina Square đã đi vào hoạt động; Trung tâm thương mại tại thị trấn Trảng Bom đang hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai xây dựng. Các dịch vụ vận tải, thông tin, bưu chính viễn thông, tín dụng ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ phục vụ suất ăn công nghiệp phát triển khá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Lĩnh vực kinh doanh du lịch, vui chơi giải trí, lưu trú, ăn uống trên địa bàn tiếp tục phát triển về quy mô, đa dạng về hình thức tham gia.
Hoạt động du lịch được quan tâm đầu tư và có sự phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước được đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Đã hình thành một số khu du lịch, các điểm vui chơi và giải trí như khu du lịch sinh thái thác Giang Điền, Khu du lịch sinh thái thác Đá Hàn, sân golf Đồng Nai… và huyện là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu trong các chuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả, lượng khách du lịch và số ngày khách lưu trú trên địa bàn ngày càng tăng qua các năm. Năm 2022 có 280 ngàn lượt du khách đến tham quan, vui chơi giải trí.
Dịch vụ vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp; mạng lưới xe buýt được hình thành, kết nối với TP. Hồ Chí Minh đến tất cả các huyện, thành phố, thị xã; nhiều hãng taxi, doanh nghiệp vận tải được thành lập, hoạt động có hiệu quả đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển và đi lại của nhân dân. Sản lượng vận tải hàng hóa và vận tải hành khách tăng cao.