(CTT-Đồng Nai) - Nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP) là hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình GDPT 2018. Theo phân phối chương trình, nội dung GDĐP ở bậc THPT gồm 35 tiết với các chủ đề: Ngữ văn (9 tiết), Kinh tế - pháp luật (6 tiết); Lịch sử (6 tiết), Địa lý (6 tiết), Âm nhạc (4 tiết), Mỹ thuật (4 tiết). Để hoàn thành nội dung môn học này cần có nhiều giáo viên phụ trách từng chủ đề.
Nhiều trường THPT đã hợp đồng thỉnh giảng với các giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật có bằng đại học ở các trường THCS đến dạy học.

Học sinh Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) trong giờ học mỹ thuật trong nội dung giáo dục địa phương
Học sinh Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) trong giờ học mỹ thuật trong nội dung giáo dục địa phương
Hợp đồng giáo viên thỉnh giảng
Để thực hiện tốt nội dung GDĐP, ngay từ năm học 2022-2023, Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) đã hợp đồng với 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật để dạy 2 chủ đề này. Giáo viên thỉnh giảng được trả 110 ngàn đồng/tiết. Năm nay, trường tiếp tục mời giáo viên thỉnh giảng như năm ngoái. Tuy nhiên, việc chi trả lương thỉnh giảng được thực hiện theo quy định mới, khoảng 270 ngàn đồng/tiết. Với mức chi trả này, nhà trường tổ chức học dồn: 3 lớp cùng học 1 tiết ở hội trường, mỗi buổi học 2 tiết.
Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc Kiều Mạnh Hà cho biết: “Việc hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy các chủ đề trong nội dung GDĐP là hợp lý. Vì một giáo viên thì không thể đa năng, đảm nhận được hết các chủ đề thuộc những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau”.
Thực tế triển khai trong năm học trước cho thấy tính hiệu quả của cách làm này. Năm nay, Trường THPT Xuân Lộc quyết định tuyển giáo viên môn Âm nhạc về làm giáo viên cơ hữu của trường nhằm giúp những học sinh có năng khiếu và mong muốn theo đuổi khối ngành nghệ thuật sẽ có cơ hội học tập nhiều hơn. Việc có thêm giáo viên bộ môn nghệ thuật cũng là yếu tố thuận lợi để nhà trường tổ chức thêm các hoạt động ngoài giờ lên lớp, chương trình ngoại khóa giúp học sinh được trải nghiệm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và năng lực của học sinh.
Tương tự, Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cũng hợp đồng 2 giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật về dạy thỉnh giảng. Thời lượng tiết học không nhiều nhưng để sắp xếp được lịch dạy học phải phụ thuộc vào giáo viên thỉnh giảng. Vì vậy, trường quyết định xếp lịch học trái buổi đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong hoạt động GDĐP. Riêng nội dung Văn học, Lịch sử - Địa lý sẽ do giáo viên trong trường đảm nhận.
Triển khai chủ đề Âm nhạc, Mỹ thuật trong nội dung GDĐP đã khó, việc triển khai dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc (2 môn tự chọn, không phải là chủ đề trong nội dung GDĐP) lại càng khó hơn vì thiếu giáo viên.
Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) là một trong số ít trường THPT tổ chức dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Theo đó, ở khối lớp 10 và 11, mỗi khối lớp có 1 lớp chọn học môn Âm nhạc, 1 lớp chọn học môn Mỹ thuật. Cả 2 giáo viên bộ môn này đều là giáo viên thỉnh giảng.
Ngoài việc tổ chức dạy học, trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh tham gia, trong đó có tổ chức tham quan Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường Đại học Kiến trúc. Đây là những chuyến đi bổ ích, góp phần định hướng nghề nghiệp và được học sinh rất đón nhận.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) tham gia CLB Mỹ thuật của trường.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) tham gia CLB Mỹ thuật của trường.
Nhiều nội dung nghệ thuật địa phương
Theo quy định, nội dung GDĐP do Sở GD-ĐT chủ trì công tác biên soạn. Điều này là tuân thủ theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-20218 của Bộ GD-ĐT. Cụ thể: “Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…
Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và báo cáo để Bộ GD-ĐT phê duyệt”.
Theo thiết kế chương trình GDĐP của Đồng Nai, trong chủ đề Âm nhạc lớp 10, học sinh được học các nội dung: chân dung nhân vật nghệ thuật (các nhạc sĩ: Cao Hồng Sơn, Trần Viết Bính, Điểu Được, Lệ Hằng, Nguyễn Khánh Hòa); thân thế và sự nghiệp; các tác phẩm nghệ thuật; bối cảnh nghệ thuật truyền thống của Đồng Nai hiện nay.
Chủ đề Mỹ thuật lớp 10 có nội dung về Mỹ thuật trong lễ hội, nghệ thuật truyền thống. Học sinh được học các nội dung: các lễ hội truyền thống tại địa phương (như: hát Sắc bùa; sân khấu nghệ thuật hát tuồng, cải lương; lễ hội Sayangva (cúng Thần Lúa) của dân tộc Chơro; lễ hội Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer; lễ hội Roja Haji của dân tộc Chăm; lễ hội Kỳ yên…). Trong chủ đề này, học sinh được tìm hiểu về nghệ thuật trang trí, hoa văn trong lễ hội, nghệ thuật sân khấu tại địa phương; đời sống tâm linh qua trang trí mỹ thuật lễ hội, nghệ thuật sân khấu; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của lễ hội địa phương.
Ở lớp 11, nội dung Âm nhạc có chuyên đề Lễ hội và nhạc cụ truyền thống các dân tộc. Chuyên đề nhằm giúp học sinh nắm rõ kiến thức về lễ hội và nghệ thuật truyền thống đặc sắc của địa phương, từ đó gìn giữ giá trị nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hội nhập hiện nay tại Đồng Nai.
Nội dung Mỹ thuật có chuyên đề Nghệ thuật kiến trúc địa phương với các nội dung: các kiến trúc địa phương (chùa Bửu Đức, thiền viện Thường Chiếu, nhà thờ Thánh Tâm, nhà hội Bình Trước, nhà cổ Trần Ngọc Du, Văn miếu Trấn Biên); dư địa chí kiến trúc (giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa gắn liền với các kiến trúc tiêu biểu của địa phương); các nét nghệ thuật đặc sắc trên hoa văn, tiết tấu, thiết kế trên các công trình nghệ thuật kiến trúc địa phương; bối cảnh kiến trúc địa phương hiện nay.