(CTT-Đồng Nai) Năm học mới 2023-2024, toàn TP.Biên Hoà vẫn còn 4 trường phải cho học sinh đi học nhờ trường khác do các trường này thiếu lớp học.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay và sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu việc xây dựng thêm trường, lớp không được đẩy nhanh tiến độ.

Nhiều học sinh khối 4-5 của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng phải thức dậy từ sớm để cho kịp chuyến xe đưa rước qua Trường Tiểu học Bình Đa học nhờ
Nhiều học sinh khối 4-5 của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng phải thức dậy từ sớm để cho kịp chuyến xe đưa rước qua Trường Tiểu học Bình Đa học nhờ
7 năm phải đi học nhờ
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng có 95 lớp với gần 4 ngàn học sinh, trong đó có 35 lớp khối 4 và 5 đang phải đi học nhờ tại Trường Tiểu học Bình Đa với gần 1.500 em. Đây cũng là một trong số nhiều trường tiểu học của TP.Biên Hòa có số lớp, số học sinh và sĩ số bình quân học sinh/lớp khá cao, khoảng 42-43 học sinh/lớp. Điều đáng nói, đây không phải là năm học đầu tiên học sinh của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng phải đi học nhờ ở một trường khác mà thực trạng này đã kéo dài đến năm thứ 7.
Nếu đối chiếu với khoản 2, Điều 10 Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2020 về điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu thì số lớp của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đã cao gấp hơn 3 lần so với quy định. Cũng vì thiếu lớp học nên nhà trường không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Ngay cả khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh toàn trường, nhiều học sinh cũng không có cơ hội tham dự đông đủ, vì sân trường không thể chứa hết gần 4 ngàn học sinh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng Phạm Thị Dịu trăn trở: “Để học sinh phải đi học nhờ, Ban giám hiệu nhà trường rất xót xa. Hàng ngày, nhiều em phải đi học sớm hơn để kịp xe đưa rước, phụ huynh phải tốn thêm chi phí thuê xe đưa rước học sinh mỗi ngày”.
Chị Lê Thị Ánh Nguyệt (ngụ ở KP.8, P.Long Bình) phản ánh, học sinh tiểu học được miễn học phí nhưng mỗi tháng chị vẫn phải đóng 400 ngàn đồng cho hai con đang học lớp 4 và 5 đi xe đưa rước từ cổng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng sang Trường Tiểu học Bình Đa để học nhờ.
Em L.V.X., một học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đã có “trải nghiệm” năm thứ 2 đi học nhờ tại Trường Tiểu học Bình Đa cho hay, cha mẹ thường chở em đến cổng trường lúc 5 giờ 30. Khi đến trường, em ngồi đợi đến 6 giờ 30 xe sẽ đến đón qua học nhờ tại Trường Tiểu học Bình Đa. Phải thức dậy sớm đến trường cho kịp chuyến xe, thêm thời gian chờ đợi xe và di chuyển đi học nhờ nên em cảm thấy khá mệt mỏi.
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, lớp
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng Phạm Thị Dịu chia sẻ, bà được phân công về nhận nhiệm vụ hiệu trưởng của trường cũng là thời điểm trường bắt đầu phải cho học sinh khối 4 và 5 đi học nhờ ở trường khác. Những học sinh phải đi học đã vất vả nhưng những học sinh được học ngay tại trường cũng không hẳn có được một môi trường học tập tốt, vì sĩ số học sinh đông, thiếu phòng học nên trường cũng phải “giật gấu vá vai” mới đủ phòng học cho học sinh học 1 buổi/ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Nhà trường phải dùng cả phòng của hội đồng sư phạm để làm lớp học cho học sinh, phòng thư viện chuyển thành phòng máy tính. Với khuôn viên sân trường khiêm tốn so với số lượng học sinh lên đến gần 4 ngàn em, không khi nào nhà trường có thể tập trung cùng lúc hết tất cả học sinh. Chẳng hạn, nhà trường tổ chức vui Trung thu cho học sinh cũng phải tổ chức thành 2 buổi sáng và chiều thì mới tạo điều kiện cho tất cả học sinh của trường được tham gia.
Đứng trước thực trạng học sinh phải đi học nhờ, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phan Đình Phùng thường xuyên nhận được phản ảnh bức xúc của phụ huynh. Nhà trường không muốn phải dạy và học trong điều kiện như hiện nay vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Hiện tại, nhà trường chỉ mong có thêm 20 phòng học để có thể đưa các em khối 4 và 5 về lại trường, chấm dứt cảnh đi học nhờ trường khác.
Giám đốc Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa Nguyễn Tôn Trọng cho hay, lãnh đạo tỉnh và thành phố rất quan tâm đến nhiệm vụ giảm tải cho các trường công lập trên địa bàn. Chỉ tính riêng đầu năm học 2023-2024, Biên Hòa đã có 14 công trình trường học được xây mới, cải tạo và nâng cấp đi vào hoạt động. Đối với P.Long Bình, một trong những phường còn “nóng” về trường lớp, năm học này thành phố đã quan tâm xây dựng thêm một khối phòng học cho Trường Tiểu học Phan Bội Châu.
Đối với việc giảm tải cho Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, UBND TP.Biên Hòa đã có kế hoạch ưu tiên giải quyết sớm tình trạng quá tải về trường lớp và học sinh phải đi học nhờ. Dự kiến trong quý IV, dự án xây dựng Trường Tiểu học Long Bình 1 (gần với Trường Tiểu học Phan Đình Phùng) sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dù hiện nay vẫn còn vướng 18 hộ dân. Khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, thành phố sẽ triển khai khẩn trương xây dựng thêm trường mới để giảm tải cho Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Trường Tiểu học Phan Bội Châu và Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh.
TP.Biên Hòa đang là địa phương xếp cuối bảng của tỉnh về trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn TP.Biên Hòa hiện có 122 trường công lập từ mầm non đến THCS nhưng chỉ có 24 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 19,6%, là địa phương có trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất tỉnh. Trong khi đó, những địa phương còn lại đều có tỷ lệ đạt chuẩn từ 85-95% trở lên.
Lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho hay, năm học mới 2023-2024, toàn thành phố vẫn còn 4 trường phải cho học sinh đi học nhờ trường khác do các trường này thiếu lớp học. Cụ thể: Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (P.Tân Hiệp) có 23 lớp phải mượn 12 phòng; Trường Tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài) có 16 lớp phải mượn 8 phòng học; Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (P.Trảng Dài) có 18 lớp phải mượn 8 phòng học và Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (P.Long Bình) có 35 lớp mượn 18 phòng học.