(CTT-Đồng Nai) Thời gian qua, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ.

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Cường trả lời chất vấn về việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Cường trả lời chất vấn về việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ
Xây dựng dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Cường cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Kết quả, UBND tỉnh sau đó ban hành tại Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 10-11-2020, trong đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu thực hiện, Sở Công Thương phối hợp thực hiện các nội dung liên quan. Sở Công Thương đã tổ chức họp các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan và đại diện các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh, các Ban Quản lý chợ/Hợp tác xã chợ nhằm trao đổi, triển khai công tác kết nối đầu ra cho sản phẩm thực hiện Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong giai đoạn 2021-2023, đã có một số đơn vị đã đăng ký tham gia dự án. Trong đó, về kênh phân phối hiện đại có 4 siêu thị (gồm: Big C Đồng Nai, Big C Tân Hiệp, Winmart Long Thành, MM Mega Market); 19 cửa hàng tiện lợi thuộc chuỗi Co.op Food, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P, Công ty TNHH Thực phẩm Sạch Bát Giới.
Về kênh phân phối truyền thống có 11 chợ gồm: chợ Phương Lâm - Tân Phú (3 tiểu thương), chợ Long Thành (3 tiểu thương), chợ Phước Thái - Long Thành (3 tiểu thương), chợ Bảo Hòa - Xuân Lộc (29 tiểu thương), chợ Suối Cát - Xuân Lộc (3 tiểu thương), chợ Hóa An - Biên Hòa (3 tiểu thương), chợ Dầu Giây - Thống Nhất (3 tiểu thương), chợ Đông Hòa - Trảng Bom (3 tiểu thương), chợ Vĩnh An - Vĩnh Cửu (3 tiểu thương), chợ Xuân Thanh - Long Khánh (3 tiểu thương), chợ Xuân Quế - Cẩm Mỹ (3 tiểu thương).

Cần ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất sản phẩm thiết yếu, giúp người dân dân an tâm khi sử dụng
Cần ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất sản phẩm thiết yếu, giúp người dân dân an tâm khi sử dụng
Áp dụng các giải pháp công nghệ trong hệ thống truy xuất
Ông Phạm Văn Cường cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp Sở NN-PTNT các sở, ngành, địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền đến các đơn vị phân phối hiện đại và truyền thống trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc từ động vật. Phối hợp với các địa phương lựa chọn các xã có chợ trong quy hoạch đăng ký xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 để tham gia dự án.
Cùng với đó, sẽ phối hợp đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong quá trình kiểm tra, khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ trong hệ thống truy xuất nguồn gốc của cơ sở (tem truy xuất nguồn gốc thay cho hồ sơ giấy), nhằm tăng khả năng liên thông, kết nối thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc của các bên có liên quan. Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan và ban quản lý chợ/HTX kiểm tra thông tin vòng truy xuất của thịt heo nhập vào chợ, giám sát và hỗ trợ việc dán tem truy xuất của các tiểu thương tham gia dự án.
Nhấn mạnh trong kết luận nội dung chất vấn này tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị, trong thời gian tới, Sở Công Thương cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu thêm về lợi ích khi xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn, truy xuất về nguồn gốc sản phẩm nhằm khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia; chú trọng đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất sản phẩm thiết yếu, giúp người dân dân an tâm khi sử dụng sản phẩm thiết yếu.