Tập trung phòng cháy dịp cuối năm

Thứ hai - 18/12/2023 13:55
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Dù mùa khô 2023-2024 chỉ mới bắt đầu nhưng toàn tỉnh đã xảy ra một số sự cố cháy trong khu dân cư. Đáng nói, phần lớn các sự cố này đều xảy ra tại những cửa hàng, điểm kinh doanh trong khu dân cư - nơi luôn chứa một lượng lớn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tập huấn nghiệp vụ phòng cháy cho Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Ảnh: Trúc Viên
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tập huấn nghiệp vụ phòng cháy cho Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Ảnh: Trúc Viên


Nhiều vụ cháy bất ngờ

Từ đầu tháng 11-2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4 sự cố cháy trong khu dân cư tại TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch. Đó là các đám cháy cửa hàng kinh doanh đồ trẻ em vào tối 13-12 tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), cháy tiệm tạp hóa vào chiều 7-12 tại xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch), cháy trong siêu thị Bách Hóa Xanh vào sáng 1-12 tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa)…

Mặc dù các đám cháy trên không phát sinh thiệt hại về người nhưng việc liên tục xảy ra cháy trong những tuần cuối năm 2023 đã làm trỗi lên nỗi lo ngại của người dân về nguy cơ cháy. Đặc biệt khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là kết thúc năm 2023 và bắt đầu năm 2024 với các dịp lễ, Tết cận kề.

Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Đồng Nai nhận định, nguy cơ cháy trong dịp đầu mùa khô tập trung chính tại 3 loại hình cơ sở chính là: trung tâm thương mại và chợ; doanh nghiệp nằm trong và ngoài khu công nghiệp; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đây là những loại hình cơ sở tập trung đông người, chứa nhiều loại hàng hóa, dẫn tới khi xảy ra cháy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất.

Trong đó, với loại hình trung tâm thương mại và chợ, Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh phân tích nguy cơ cháy tập trung chủ yếu do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC. Cùng với đó một số hành vi vi phạm về an toàn PCCC thường gặp như: không quản lý chặt chẽ về nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm trong việc bố trí hàng hóa không đảm bảo an toàn PCCC đối với thiết bị điện, không trang bị hoặc trang bị nhưng không đảm bảo phương tiện PCCC ban đầu…

Với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, vào dịp cuối năm và đầu mùa khô, nguy cơ cháy vẫn đến từ việc sắp xếp hàng hóa không ngăn nắp, che lấp hệ thống điện, lối thoát hiểm. Đặc biệt với các đơn vị ngành gỗ, dệt may… khi vệ sinh công nghiệp không thường xuyên có thể phát sinh cháy khi các sợi bông, mạt cưa tồn đọng bị bén lửa.

Đáng chú ý là các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (loại hình cơ sở gặp nhiều trong các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn), nguy cơ cháy đến từ việc thiết kế nhà ở ban đầu đã được chỉnh sửa nhiều lần để phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Việc này dẫn tới hệ thống điện của các căn hộ trên không đáp ứng được nhu cầu những thiết bị điện công suất cao. Một số hộ còn sắp xếp hàng hóa gần nơi nấu ăn, đè lên hệ thống điện (vì không gian nhỏ hẹp, hạn chế). Do đó làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ.

Tăng năng lực ứng phó từ cơ sở

Theo thống kê của UBND tỉnh, trong 11 tháng của năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 1 người, tài sản thiệt hại khoảng 23,54 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy tăng 3 vụ, số người chết tăng 1 người, số người bị thương tăng 1 người và thiệt hại tài sản giảm 120,8 tỷ đồng.

Xác định nguy cơ cháy tăng cao vào đầu mùa khô như hiện nay, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh xác định phải chủ động phòng cháy bằng 2 biện pháp chính là: kiểm tra, xử lý vi phạm và nâng cao năng lực PCCC cho cơ sở. Để thực hiện được biện pháp trên, đòi hỏi cả cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu, người có trách nhiệm tại mỗi cơ sở phải có trách nhiệm chung.

Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh đánh giá, trong mỗi đợt kiểm tra, bên cạnh việc xử lý vi phạm thì lực lượng chức năng đã hướng dẫn người đứng đầu và lực lượng PCCC cơ sở các biện pháp phòng ngừa cháy. Đồng thời thường xuyên nhắc nhở cơ sở nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, vi phạm về PCCC đã được chỉ ra. Nhất là với những thiếu sót có thể khắc phục ngay và thường bị các cơ sở mắc phải như: sắp xếp lại hàng hóa không đè lên hệ thống điện và lối thoát hiểm, đảm bảo số lượng bình chữa cháy đủ theo quy định…

Đáng chú ý, điểm mới của năm 2023 là UBND tỉnh đã đề ra chỉ tiêu cụ thể đến ngày 30-12-2023, mỗi hộ gia đình có ít nhất một người được tuyên truyền, huấn luyện về PCCC và trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy. Vì vậy, liên tục những tháng gần đây UBND các cấp đã tập hợp các nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ mua sắm, tặng bình chữa cháy cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó vừa để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được đề ra, vừa tăng cường khả năng ứng phó sự cố cháy cho các khu dân cư trong tình.

Tác giả: Trúc Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập

Hôm nay

54,923

Tổng lượt truy cập

555,072,180
Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây