(CTT-Đồng Nai) Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Cường cho biết, thực hiện thí điểm “điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi” năm 2017-2018, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thí điểm các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh, với 99 điểm kinh doanh an toàn thực phẩm thí điểm tại 12 chợ ở Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất và Tân Phú.

Việc nhân rộng các mô điểm kinh doanh thực phẩm an toàn thời gian qua còn hạn chế, người dân vẫn mua thực phẩm ở nhiều điểm thiếu an toàn
Việc nhân rộng các mô điểm kinh doanh thực phẩm an toàn thời gian qua còn hạn chế, người dân vẫn mua thực phẩm ở nhiều điểm thiếu an toàn
Từ năm 2019 đến nay, đã xác nhận được 75 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (năm 2019: 16 chuỗi; năm 2020: 13 chuỗi, năm 2021: 28 chuỗi, năm 2022: 16 chuỗi, năm 2023: 2 chuỗi). Trong đó, 10 chuỗi cung ứng thịt bò, 51 chuỗi cung ứng thịt heo, gà; 14 chuỗi cung ứng rau, củ, quả. Các chuỗi này chủ yếu cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng tiện lợi, còn lại là các tiểu thương kinh doanh tại các chợ Hàng Gòn (7 tiểu thương), chợ Bảo Vinh (3 tiểu thương) và chợ Bình Lộc (1 tiểu thương) của TP.Long Khánh.
Ông Phạm Văn Cường thừa nhận, tính từ năm 2019 đến thời điểm hiện nay, thì chỉ có TP.Long Khánh thực hiện quy trình xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi quy định tại Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN-PTNT. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, số điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi tại chợ trên địa bàn tỉnh là 110 điểm, chưa đạt mục tiêu theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Nói về khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai nhân rộng điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại chợ theo chuỗi, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, do đây là hình thức tự nguyện nên việc vận động tiểu thương tham gia chưa được nhiều. Các tiểu thương chưa quan tâm tham gia chương trình do chưa biết nhiều về quyền lợi khi xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn và tâm lý e ngại các thủ tục trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019-2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình mua bán tại chợ, do hạn chế đi lại để tránh lây nhiễm gây khó khăn trong công tác thực hiện nên việc triển khai xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn tại chợ còn chậm. Mặt khác, hồ sơ yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGap hoặc tương đương là rất khó, do hàng hóa lấy chủ yếu từ chợ đầu mối, qua nhiều trung gian.
Nói về giải pháp, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhân rộng tại các chợ trên địa bàn để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân từ năm 2024 trở đi theo nội dung Công văn số 11468/UBND-KTNS ngày 07-10-2019 của UBND tỉnh và Công văn số 7189/UBND-KT ngày 24-7-2017 của UBND tỉnh. Định kỳ 6 tháng phải báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương).
UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố thực hiện quy trình xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi quy định tại Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20-7-2016 của Bộ NN-PTNT.