(CTT-Đồng Nai)- Thời gian qua, phong trào thi đua Dân vận khéo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của công tác dân vận trong tình hình mới.
Từ khi phát động đến nay (2009-2024), toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì trên 15 ngàn mô hình, với hơn 6 ngàn tập thể, trên 8 ngàn cá nhân thực hiện. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với trên 8 ngàn mô hình; quốc phòng - an ninh với trên 2.500 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị với hơn 4 ngàn mô hình. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân Dân vận khéo có tính lan tỏa cao trong cộng đồng trên các lĩnh vực, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Đoàn cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm mô hình “Nấm đông trùng hạ thảo” của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Sức khỏe vàng, ở ấp Xóm Gò - Bà Ký, xã Long Phước, huyện Long Thành.
Đoàn cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm mô hình “Nấm đông trùng hạ thảo” của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Sức khỏe vàng, ở ấp Xóm Gò - Bà Ký, xã Long Phước, huyện Long Thành.
Dân vận khéo - khéo làm kinh tế
Cụ thể, trên lĩnh vực kinh tế xuất hiện nhiều mô hình, điển hình Dân vận khéo trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, giúp người dân mạnh dạn đầu tư vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm giàu chính đáng, góp phần giải quyết việc làm, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, như mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp trồng chuối cấy mô xen canh quýt đường (huyện Xuân Lộc); mô hình 80 ha cánh đồng lúa chất lượng cao xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) và mô hình trồng thanh long ruột đỏ huyện Trảng Bom; mô hình trồng bưởi VietGap ở huyện Vĩnh Cửu; mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Nhơn Trạch...
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, qua đó đã góp phần trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài; xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ vốn, phát huy được vai trò của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nhiều mô hình, điển hình Dân vận khéo đi đầu trong đóng góp kinh phí, hiến đất, sức lao động để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, nâng cấp công trình nước sạch, chỉnh trang làm đẹp đường làng, ngõ xóm; điển hình như: mô hình vận động bà con dân tộc thiểu số đóng góp hơn 2 tỷ đồng để bê tông hóa đường vào làng dân tộc dài 1,7km tại huyện Cẩm Mỹ; ông Chềnh Cún Pẩu huyện Định Quán đã hiến 1 ngàn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa ấp; mô hình vận động Nhân dân xây dựng tuyến đường Mã Vôi - Bưng Cần thành tuyến đường kiểu mẫu dài 1.000m của xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); mô hình “Những con đường 2.000 đồng” của thành phố Long Khánh đã vận động Nhân dân hiến 5 ngàn m2 đất mở đường ... đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 106/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30/120 xã NTM kiểu mẫu và 57 khu dân cư kiểu mẫu, huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Tích cực bảo vệ an ninh Tổ quốc
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, các mô hình, điển hình đã phát huy hiệu quả tích cực, vận động Nhân dân xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Duy trì các mô hình, điển hình có sức lan tỏa trong cộng đồng như: phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác dân vận chung sức xây dựng NTM; như: mô hình nụ cười cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực thân thiện, gần dân, hiểu dân, trọng dân của huyện Trảng Bom; mô hình Đội nữ dân phòng vùng đồng bào tôn giáo của Hội Phụ nữ xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất), xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); mô hình tổ liên gia tự quản, cụm dân cư tự quản; mô hình “Tiếng kẻng an ninh” của 11/11 huyện, thành phố...
Đối với lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các huyện, thành phố đều xây dựng và duy trì mô hình thực hiện quy trình dân vận khéo trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong cải cách hành chính... Qua đó, người đứng đầu các cấp đã cơ bản giải quyết được những vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, giải quyết những vấn đề người dân bức xúc.
Đặc biệt, từ mô hình “Buổi sáng với Nhân dân” của Thành ủy Long Khánh, rất hiệu quả trong việc tiếp dân hàng ngày vào đầu buổi sáng các ngày làm việc trong tuần (từ 07 giờ 15 phút đến 08 giờ 15 phút) để lắng nghe, giải quyết kịp thời kiến nghị, bức của nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đề xuất và được Tỉnh ủy chấp thuận chọn mô hình “Buổi sáng với Nhân dân” là mô hình Dân vận khéo của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Mô hình này hiện đã được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với mục đích nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền các cấp từ “mệnh lệnh” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”, xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở.
Là địa phương có trên 70% dân số là người có đạo, với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo”, hưởng ứng phong trào thi đua Dân vận khéo, các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động chức sắc, tu sĩ, tín đồ, đồng bào dân tộc, tôn giáo hiến đất xây trường học, làm đường, xây dựng nhà tình thương, tham gia các hoạt động an sinh xã hội...
Là tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là việc triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh, do đó, việc triển khai phong trào Dân vận khéo trong công tác thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội được toàn tỉnh chú trọng.
Trong đó nhờ dân vận khéo, đã góp phần tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận trong công tác thu hồi 5 ngàn ha đất để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành....
Có thể khẳng định, phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào đời sống xã hội, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia, qua đó, nhiều mô hình, điển hình có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.