(CTT-Đồng Nai) - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức vừa chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc cho hơn 130 dự án bất động sản (BĐS). Đối với những tồn tại vượt thẩm quyền thì tổng hợp để báo cáo cơ quan trung ương tìm giải pháp tháo gỡ.

Dự án bất động sản tại huyện Long Thành
Dự án bất động sản tại huyện Long Thành
Việc tháo gỡ được vướng mắc cho các dự án dang dở trên địa bàn tỉnh sẽ giúp khơi thông thị trường BĐS, tạo động lực thu hút dự án mới.
Có 3 nhóm vướng mắc chính
Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 180 dự án BĐS đang tạm dừng thực hiện thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng và kinh doanh. Đây là các dự án được thực hiện theo hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất và đã có chủ trương đầu tư trong giai đoạn từ ngày 01-7-2014 đến năm 2021. Sau nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, nhiều dự án đã được tiếp tục triển khai.
Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh còn hơn 130 dự án BĐS đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng từ chủ đầu tư sang bên mua, thuê mua. Các vướng mắc này được chia thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là dự án đã và đang xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trên phần đất được giao nhưng các công trình hạ tầng xã hội và công trình khác chưa xây dựng theo quy hoạch dẫn đến sản phẩm chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Nhóm thứ 2 là dự án đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa xây dựng xong nhà ở, chưa xây dựng công trình hạ tầng xã hội và công trình khác theo quy hoạch được duyệt thì hết tiến độ thực hiện dẫn đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền nên chưa xử lý được.
Nhóm thứ 3 là dự án đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhưng chưa xây dựng nhà ở. Nay chủ đầu tư đề nghị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền nhưng đã hết tiến độ thực hiện.
Những vướng mắc trên không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư và bên chuyển nhượng mà thị trường BĐS của tỉnh cũng rơi vào bế tắc.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án
Theo Lãnh đạo Sở Xây dựng, từ ngày 01-8-2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 đã có hiệu lực thi hành, việc kiểm tra điều kiện đưa vào kinh doanh sản phẩm của dự án BĐS do cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS thực hiện. Để tháo gỡ vướng mắc về điều kiện giao dịch, chuyển nhượng sản phẩm của dự án, đồng thời thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp theo nhóm vấn đề:
"Đối với nhóm thứ nhất, trường hợp dự án còn tiến độ thì chủ đầu tư rà soát điều chỉnh bổ sung phân kỳ đầu tư, đồng thời thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo đúng quy hoạch và phân kỳ đầu tư điều chỉnh để đưa sản phẩm của dự án vào kinh doanh. Trường hợp dự án không còn đủ thời gian tiến độ thì cho phép chủ đầu tư lập hồ sơ trình điều chỉnh, gia hạn tiến độ, đồng thời bổ sung nội dung phân kỳ đầu tư dự án theo quy định để tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo quy hoạch và phân kỳ đầu tư, đưa sản phẩm của dự án vào kinh doanh.
Đối với nhóm thứ hai dự án còn công trình nhà ở và một số công trình khác chưa được xây dựng theo quy hoạch, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, giám sát đầu tư để làm rõ trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, công trình thương mại dịch vụ trong dự án và tham mưu UBND tỉnh giải quyết điều chỉnh gia hạn tiến độ để hoàn thành dự án.
Riêng với nhóm vướng mắc thứ ba, Sở Xây dựng sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xác định thời gian cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải hoàn thành việc xây dựng nhà ở. Nhưng vì dự án hết hạn nên Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bổ sung tiến độ để hoàn thành việc xây dựng nhà ở. Trường hợp không có cơ sở bổ sung tiến độ thực hiện dự án, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh chấp thuận thời hạn bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải hoàn thành việc xây dựng nhà ở trong 36 tháng".
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, việc Sở Xây dựng chủ động phân nhóm tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hơn 130 dự án BĐS là rất tốt. Tuy nhiên, các giải pháp mới tập trung vào nhóm phân kỳ đầu tư, đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư rất khó vì mỗi giai đoạn yêu cầu của pháp luật về đầu tư khác nhau. Do đó, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS đang triển khai.