Con người, văn hóa Đồng Nai là trung tâm phát triển

Thứ năm - 10/10/2024 15:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Phát triển Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm lấy giá trị văn hóa là một trụ cột trong phát triển bền vững; nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo môi trường sống tốt nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại Đồng Nai.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Ân trao giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Ân trao giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở

Cải tạo các không gian văn hóa

Xác định phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người, xây dựng văn hóa cũng chính là xây dựng con người Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng phát triển toàn diện, thời gian qua, thành phố Biên Hòa đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp các không gian văn hóa, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ Nhân dân. Đặc biệt, thành phố chú trọng phát triển các không gian văn hóa gắn kết với dòng sông Đồng Nai, gắn với các mảng xanh của công viên, bảo tồn làng nghề, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, việc xây dựng văn hóa được thành phố xác định gắn với phát triển con người Biên Hòa - Đồng Nai. Không chỉ đầu tư nâng cấp các công viên, tổ chức các chương trình tham quan các di tích, mà thành phố còn chú trọng tổ chức đa dạng hoạt động văn hóa, thể thao. Từ nay đến cuối năm, thành phố tổ chức một chuỗi các hoạt động: Festival Sách Biên Hòa 2024, xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, xây dựng không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa tại tuyến đường Phan Trung… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.

Là tỉnh có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa cho công nhân lao động.
Theo thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho đối tượng này, cần thiết xây dựng nhà trưng bày để bảo tồn di sản văn hóa công nhân, công nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Nhà trưng bày không chỉ gắn kết với các thiết chế văn hóa xung quanh, mà còn góp phần tôn vinh giai cấp công nhân Đồng Nai.

Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trong và ngoài tỉnh khảo sát địa điểm tổ chức Festival Sách thành phố Biên Hòa 2024
Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trong và ngoài tỉnh khảo sát địa điểm tổ chức Festival Sách thành phố Biên Hòa 2024

Quan tâm chất lượng nhân lực văn hóa

Cũng bởi lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, xây dựng và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Toàn tỉnh hiện có gần 900 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Hàng năm, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đào tạo khoảng 200 học sinh, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn…

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập, số lượng công chức văn hóa - xã hội của huyện, các xã, phường, thị trấn quá ít so với yêu cầu và khối lượng công việc của địa phương. Công chức văn hóa ngoài thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch, còn kiêm nhiệm lĩnh vực thông tin truyền thông, chuyển đổi số. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa ở cơ sở cần được triển khai, đảm bảo tổ chức, thực hiện có hiệu quả các hoạt động.

Tác giả: Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây