Được Trung ương phê duyệt từ năm 2015, nhưng đến nay, dự án đường liên cảng huyện Nhơn Trạch vẫn chưa thể kêu gọi được nhà đầu tư. Nguyên nhân chính là do tỷ suất đầu tư lớn với số vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng trong khi các phương án thu hồi vốn đầu tư còn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, theo các nhà chuyên môn, hệ thống bến, cảng của huyện Nhơn Trạch dọc sông Lòng Tàu, nơi dự án đi qua không còn phù hợp.
Trong buổi làm việc tuần qua về tiến độ đầu tư tuyến đường này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu phải có sự tính toán lại.
15km tốn trên 6.300 tỷ đồng, khó kêu gọi nhà đầu tư
Theo tính toán trước đây của đơn vị tư vấn, đường liên cảng Nhơn Trạch có chiều dài hơn 15km, rộng đến 99m, trong đó đường chính rộng 61m, đường gom hai bên rộng 8m và vỉa hè 3m. Tổng vốn đầu tư cho dự án này hơn 6.350 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự tính hoàn tất trong 3 năm đầu kể từ khi triển khai thi công, sẽ xây dựng 4 làn xe với số vốn khoảng 2.855 tỷ đồng. Giai đoạn 2 trong 3 năm tiếp theo, xây dựng 4 làn xe và giai đoạn cuối cũng đầu tư trong 3 năm với 4 làn xe còn lại.
Sau khi hoàn thành, đường sẽ nối liền 15 cảng dọc theo sông Lòng Tàu của huyện Nhơn Trạch và được coi là dự án đầu tư trọng điểm nhằm đánh thức một dải ven sông, phát triển kinh tế, đô thị của huyện Nhơn Trạch. 8 năm trước, Đồng Nai đã có chủ trương đầu tư, tuy nhiên với số vốn quá lớn nên tỉnh không thể bố trí ngân sách thực hiện được. Do đó năm 2015, dự án được đưa vào danh mục dự án điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đầu tiên của tỉnh, thuộc dự án nhóm A, thẩm quyền do Chính phủ phê duyệt.
Các cảng thuộc hệ thống sông Lòng Tàu đa phần là cảng nhỏ, cần có sự sắp xếp lại. Trong ảnh: Một cảng hoạt động dọc sông Lòng Tàu thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch
Sau khi được Chính phủ phê duyệt hình thức đầu tư PPP (trong đó, Nhà nước 30% số vốn), ngành Giao thông- vận tải (GT-VT) và huyện Nhơn Trạch đã tích cực kêu gọi nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào đủ nguồn lực thực sự quan tâm. Trước tình hình khó khăn đó, UBND huyện Nhơn Trạch đã đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Phương án này, theo nhận định của lãnh đạo Sở GT-VT là thiếu tính khả thi do lưu lượng xe đến các cảng này khá ít, khó xây dựng phương án thu hồi vốn. Hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) bằng quỹ đất cũng được đặt ra nhưng giá đất ở Nhơn Trạch không cao như khu vực TP. Biên Hòa nên sẽ tốn rất nhiều quỹ đất và cũng không hấp dẫn nhà đầu tư.
Xem xét lại quy hoạch hệ thống cảng
Ngoài tỷ suất đầu tư lớn, khó thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư thì hệ thống các cảng, bến dọc sông Lòng Tàu, nơi tuyến đường dự kiến đi qua đã bộc lộc nhiều bất cập, cần được bố trí lại. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, hệ thống các cảng của Nhơn Trạch được tính toán thu hút đầu tư từ nhiều năm trước. Thời điểm đó chưa xem xét đầy đủ về quy mô và mức độ phát triển công nghiệp tại khu vực này như hiện nay. Chưa kể, trước đây, nhiều nhà đầu tư có nguồn lực hạn hẹp nhưng cũng được cho phép thuê đất để đầu tư cảng. Điều này dẫn đến hệ lụy là dù có nhiều cảng nhưng hầu hết quy mô nhỏ, năng lực nhà đầu tư yếu và trên thực tế rất ít cảng được triển khai. Chính sự hạn chế về tầm nhìn quy hoạch nên hiện tại, với tốc độ phát triển nhanh các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, sẽ cần phải điều chỉnh lại số lượng, quy mô cũng như phân bố các cảng. “Một thời gian dài, việc cấp phép đầu tư vào các cảng chưa theo sát với quy hoạch đô thị Nhơn Trạch, khiến cho một dải đất ven sông có địa thế đẹp có thể phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch, thương mại… bị án ngữ bởi rất nhiều cảng nhỏ. Điều này giống như sự băm nát mặt tiền của đô thị trong tương lai”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận xét.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh, Nhơn Trạch đã được quy hoạch tuyến đường 25C rất rộng, đẹp và đã được đầu tư gần như hoàn thiện. Đường liên cảng khi hoàn thành sẽ được kết nối vào đường 25C. Tuy nhiên, một bất cập nữa là hệ thống cảng lại bố trí ngay sát khu vực sẽ là đô thị trung tâm, đông dân cư của Nhơn Trạch trong tương lai. Khi đó, lượng phương tiện từ các khu công nghiệp trong vùng và phương tiện giao thông từ TP. Hồ Chí Minh, Long Thành… đi đến cảng phải đi xuyên tâm đô thị, rất không phù hợp. Nếu không cẩn thận, sau một thời gian sẽ trở nên quá tải và phải di dời cảng rất tốn kém.
Để thuận lợi cho sự phát triển của đô thị Nhơn Trạch theo quy hoạch đã được phê duyệt, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng phải tính đến giải pháp hạn chế số lượng cảng, nhất là các dự án có năng lực yếu và phải thu hồi dự án với những cảng không triển khai. Cần tính toán bố trí số lượng cảng nằm cuối dự án đường 25C, gần các khu công nghiệp và cảng lớn Phước An nhằm tạo không gian phát triển về sau. “Tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng và Sở GT-VT xem xét lại tính khả thi của dự án đường liên cảng Nhơn Trạch. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các cảng ở khu vực dọc sông Lòng Tàu cần có nghiên cứu kỹ hơn nhằm có sự phát triển tốt trong tương lai. Trên cơ sở đó, trình phương án điều chỉnh quy hoạch để tỉnh phê duyệt”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo.
Văn Gia
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập