Giám sát xử lý chất thải công nghiệp hướng đến sản xuất xanh

Thứ sáu - 21/12/2018 00:18
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Chiều qua 20-12, Đoàn giám sát liên ngành do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chủ trì đã có buổi làm việc với UBND tỉnh liên quan đến vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.​

Tham gia đoàn giám sát có Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng và đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường miền Nam.

Quan tâm vấn đề môi trường

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, Đồng Nai là địa phương phát triển công nghiệp sớm và mạnh, do đó lượng chất thải, rác thải công nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất rất lớn, gây áp lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Để hướng tới sản xuất sạch, những năm gần đây, Đồng Nai rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Cụ thể, tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý, xử lý chất thải công nghiệp; dành kinh phí lớn cho bảo vệ môi trường; chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp; hỗ trợ, tác động để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, không ngừng cải tiến công nghệ nhằm đảm bảo môi trường trong doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng như khu dân cư. Đến nay, khoảng 98% chất thải rắn công nghiệp nguy hại, 100% chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, xử lý. Riêng với nước thải công nghiệp, một bộ phận doanh nghiệp đưa nước thải về khu xử lý nước thải tập trung có hệ thống quan trắc được xử lý tốt, tuy nhiên một số doanh nghiệp tự xử lý gây khó khăn trong quản lý; một số khu công nghiệp chưa hoàn thành đấu nối xử lý nước thải tập trung.

Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Văn Ru cho biết thêm, chủ trương của tỉnh vài năm trở lại đây là thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo đó, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, hạn chế các doanh nghiệp gia công, sử dụng nhiều lao động.


 

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lượng chất thải nguy hại ngày càng gia tăng, gây sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường, đe dọa đến sức khỏe người dân. Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến bảo vệ môi trường; chú trọng tuyên truyền để người dân vào cuộc giám sát việc bảo vệ môi trường; quan tâm bố trí nguồn lực tài chính, nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường, đầu tư hệ thống quan trắc tự động ở tất cả các khu công nghiệp. Với nguồn lực này đã ngăn chặn được nhiều sự cố về môi trường. Bên cạnh đó, việc lấy môi trường làm tiêu chí lựa chọn, thu hút đầu tư cũng thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong sản xuất công nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.

Hướng đến sản xuất sạch

Trong chương trình giám sát, sáng 20-12, đoàn đã đến thực tế công tác quản lý, xử lý chất thải tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Amata.

Theo đại diện Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Pouchen hoạt động tại Đồng Nai đã hơn 20 năm và doanh nghiệp muốn gắn bó với địa phương lâu dài. Để phát triển bền vững tại địa phương và cũng nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường của đơn vị đối tác là Tập đoàn Nike (Mỹ), từ năm 2017, công ty đã đầu tư 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 30m3/ngày đêm và 80m3/ngày đêm. Trong đó, hệ thống quan trắc tự động được lắp đặt tại hồ xả của hệ thống xử lý nước thải và được kết nối với trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên - môi trường. Toàn bộ dữ liệu được truyền liên tục, trực tiếp về Sở theo dõi. Định kỳ 3 tháng một lần, công ty lấy mẫu nước thải xét nghiệm, phân tích các chỉ số và có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Đối với chất thải rắn, chất thải nguy hại, công ty có kho lưu trữ và tổ chức phân loại chất thải tại nguồn. Tùy theo từng loại chất thải, công ty đã hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý, tái chế chất thải, hằng quý sẽ thu gom một lần nhằm hạn chế chất thải tồn dư, xử lý không đúng cách. Về khí thải, hơn 20 năm hoạt động ở khu vực dân cư nhưng doanh nghiệp chưa nhận được phản ánh, khiếu nại nào liên quan đến khí thải, tiếng ồn của nhà máy ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.


 

Đoàn công tác thị sát khu xử lý nước thải tập trung tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam

Liên quan đến môi trường làm việc và chính sách cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hiện công ty có khoảng 9.500/17.500 lao động đang được hưởng phụ cấp lương theo quy định phụ cấp cho người làm công việc nặng nhọc, độc hại và được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Ở tất cả các xưởng sản xuất đều có cán bộ môi trường phụ trách, định kỳ tổ chức đo kiểm môi trường không khí, tiếng ồn ở nhiều vị trí khác nhau. Hằng quý, Đoàn thanh niên phối hợp cùng Công đoàn tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên công ty. Đồng thời tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải.

Tại Ban quản lý các khu công nghiệp, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Cao Tiến Sỹ cho biết, hiện 31/31 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế trên 166.000m3/ngày đêm, trong đó 25/31 khu đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và được theo dõi thường xuyên. Về chất thải rắn, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều có hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý chất thải, không phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, đối với khí thải còn gặp khó khăn trong quản lý, xử lý do công nghệ xử lý khí thải của các nhà máy quá cũ, công tác đo kiểm khí thải phát ra môi trường khó khăn, tốn kém và phải có đơn vị chuyên đo kiểm không khí thực hiện, tổ chức đo kiểm nhiều lần mới cho kết quả tương đối. Với tiếng ồn cũng tương tự.

Về phía các doanh nghiệp, ông Sỹ cho biết thêm, bên cạnh những nỗ lực của tỉnh trong bảo vệ môi trường sản xuất công nghiệp, hiện nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến sản xuất xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững. Bởi đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp có thể hợp tác lâu dài với các đối tác, bạn hàng lớn.

Phó ban Quan hệ lao động LĐLĐ Việt Nam Lê Đình Quảng đánh giá cao sự quan tâm, hợp tác của doanh nghiệp đối với người lao động và đặc biệt là vấn đề về môi trường. Theo đó, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuân thủ khá tốt các quy định của pháp luật về quản lý và xử lý chất thải (gồm nước thải, chất thải thông thường, chất thải nguy hại) trong sản xuất; vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm, có chiều hướng tốt hơn. Ông Quảng cho rằng, Ban quản lý các khu công nghiệp, Công đoàn cần phát huy vai trò tác động để doanh nghiệp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, chủ động đổi mới công nghệ sản xuất để hạn chế phát thải, quan tâm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động. Dịp này, đoàn cũng ghi nhận một số vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh để tiếp tục báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. 

H. Lộc

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây