Tại hội thảo “An ninh nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn” vừa được Trường đại học (ĐH) Đồng Nai phối hợp với ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai đã được “mổ xẻ”. Đây cũng là cơ sở để đánh giá và đề ra giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước sông Đồng Nai trong thời gian tới, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành lân cận.
Tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội
Hệ thống sông Đồng Nai có chiều dài gần 600km, với diện tích lưu vực 38.600km2 và là dòng sông chảy trong nội địa dài nhất Việt Nam. Trong nhiều năm qua, sông Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện nay dòng sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm và sạt lở nghiêm trọng bởi việc xả thải chưa qua xử lý, nạn khai thác cát trái phép. Theo ban tổ chức hội thảo, đây là dịp để chia sẻ thông tin về những thành tựu đề tài nghiên cứu mới, qua đó đánh giá mức độ tác động của các nhân tố gây mất an ninh nguồn nước và đề xuất giải pháp để góp phần giữ gìn môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai.
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, lưu vực sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt về mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử… ở khu vực phía Nam. Trước đây, các đề tài nghiên cứu về sông Đồng Nai có nhiều nhưng chỉ tập trung vào vấn đề đơn thuần sử dụng nguồn nước. Các đề tài nghiên cứu chỉ đặt trong phạm vi lưu vực sông Đồng Nai và ít có mối quan hệ, tham chiếu đến tầm quốc gia, quốc tế. Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai thực hiện đề tài “An ninh nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn” với quy mô lớn hơn. Đây là nghiên cứu có sự phối hợp liên ngành và quan tâm đến các chiếu cạnh của an ninh nguồn nước, gồm: bản chất tự nhiên nguồn nước, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, biến đổi khí hậu, thiên tai gắn với việc sử dụng tài nguyên nguồn nước. Đặc biệt, đề tài tập trung đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng nguồn nước gắn với bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Các nhà khoa học, đại diện các sở, ban, ngành, giảng viên và sinh viên chụp hình lưu niệm tại hội thảo.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, qua triển khai thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã điều tra và nắm bắt thông tin cụ thể từ các tỉnh, thành ở lưu vực sông Đồng Nai thông qua các hội thảo, tọa đàm; đồng thời điều tra các bên liên quan, gồm các nhà quản lý cũng như khu dân cư, các doanh nghiệp sử dụng nguồn nước. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đề tài đã giải quyết tốt một số kết quả theo yêu cầu “đặt hàng” của Nhà nước về vấn đề liên quan đến nghiên cứu tài nguyên nước, nghiên cứu mô phỏng chất lượng nước cũng như hiện trạng khai thác sử dụng, quản lý tài nguyên nước trên sông Đồng Nai; hiện trạng xung đột khai thác nguồn nước giữa các bên liên quan trong quá trình sử dụng, đánh giá hiệu quả kinh tế của sử dụng nguồn nước. Qua nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp, trong đó đặc biệt lưu ý về an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội… “Chúng tôi cho rằng, bên cạnh thiên tai khắc nghiệt thì con người gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nguồn nước sông Đồng Nai. Đó là vấn đề sử dụng không hợp lý, quản lý không hiệu quả nguồn nước cũng như những thách thức với an ninh nguồn nước sông Đồng Nai hiện nay. Do đó, cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý nguồn nước là giải pháp rất cần thiết và cấp bách hiện nay”, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh nói.
Cần đảm bảo an ninh nguồn nước
Trước những thách thức về an ninh nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ nguồn nước, đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai trong những năm qua. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, khu dân cư đang ngày càng tạo áp lực ô nhiễm lên dòng sông.
Tại hội thảo, TS. Đinh Thanh Sang, Phó khoa Khoa học - Quản lý, Trường ĐH Thủ Dầu Một đã chia sẻ kết quả thực hiện đề tài “Quản lý tài nguyên nước sông Đồng Nai đoạn chảy qua Vườn quốc gia Cát Tiên” do nhóm nghiên cứu của ĐH Thủ Dầu Một và ĐH Đồng Nai phối hợp thực hiện. Đề tài tập trung làm rõ vấn đề bảo vệ phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai, trong đó nhấn mạnh đoạn chảy qua Vườn quốc gia Cát Tiên.
Theo TS. Đinh Thanh Sang, để việc sử dụng nguồn nước đảm bảo, quản lý bền vững lưu vực sông Đồng Nai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; đặc biệt phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư tại địa phương nhằm giảm thiểu việc gây ô nhiễm nguồn nước do canh tác nông nghiệp và sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón cây trồng…
Một góc sông Đồng Nai.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý và cùng giải quyết các vấn đề môi trường trong vùng. Đồng thời cam kết thực hiện hài hòa nguồn nước lưu vực sông, thống nhất các khu vực ưu tiên bảo vệ, các khu vực được phép khai thác, xả thải để bảo vệ lưu vực sông. “Đề tài đã chỉ ra nhiều vấn đề hữu ích trong công tác đào tạo ngành quản lý tài nguyên và môi trường cũng như ngành quản lý về đất đai. Đây là thực tiễn quan trọng để chúng tôi truyền đạt lại kinh nghiệm cũng như kiến thức cho thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên”, TS. Đinh Thanh Sang cho hay.
TS. Phạm Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai cho rằng, hiện nay, nguồn nước tại lưu vực sông Đồng Nai có nhiều vấn đề mà chúng ta phải bàn luận và nghiên cứu như: ô nhiễm môi trường, quy hoạch, quản lý, sử dụng nguồn nước… Điều này đặt ra những thách thức cho nhà quản lý, các nhà khoa học và toàn xã hội. Trước sự cần thiết này, hội thảo góp phần thảo luận làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng quy hoạch, quản lý, khai thác nguồn nước sông Đồng Nai. Từ đó có cơ sở đánh giá và đưa ra giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước sông Đồng Nai trong thời gian tới, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác một cách hiệu quả và bền vững.
“Trước hết, chúng tôi sẽ tham gia vào các đề tài nghiên cứu liên quan đến sông Đồng Nai, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền vận động, giáo dục sinh viên và hướng đến cộng đồng xã hội để cùng chung tay bảo vệ an ninh nguồn nước sông Đồng Nai…”, TS. Phạm Văn Thanh nói.
Đào tạo nguồn nhân lực về môi trường
TS. Phạm Văn Thanh cho biết, trong năm 2019, nhà trường sẽ tuyển sinh 60 chỉ tiêu đào tạo ngành Khoa học và môi trường. Để chuẩn bị tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, nhà trường bắt đầu có những nghiên cứu và tích cực phối hợp các trường đại học có uy tín trong nước cũng như quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, có tính ứng dụng cao nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà cũng như đất nước.
Thành Nhân
Tác giả: Lê Thành Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập