Ngày 23-4, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và tiến độ triển khai thực hiện dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Trước đó, chiều 22-4, đoàn đã đến khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp của tập đoàn Vingroup tại nông trường Vineco Long Thành và nhà máy sản xuất giày của Công ty TNHH Changshin Việt Nam trong khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn.
Tiến độ triển khai công tác bồi thường sân bay cơ bản vẫn đảm bảo
Báo cáo với đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, Đồng Nai đã điều động 51 cán bộ từ các sở, ngành trong thời gian 6 tháng về trợ giúp huyện Long Thành thực hiện các nhiệm vụ kiểm đếm, đo đạc… phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Đồng Nai cũng đã chuẩn bị quỹ đất cho 2 khu tái định cư với diện tích hơn 364 ha (trong đó khu Lộc An - Bình Sơn 282,3 ha và khu Bình Sơn 81,8 ha). Đến nay, tỉnh đã ban hành các thông báo thu hồi đất đối với 3 tổ chức: UBND xã Lộc An, UBND xã Bình Sơn và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai; huyện Long Thành đã ban hành thông báo thu hồi đất đối với 22 hộ gia đình, cá nhân.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh lập thủ tục chi trả 50% giá trị bồi thường vườn cây cao su cho Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Phương án bồi thường sẽ được điều chỉnh sau khi tỉnh phê duyệt đơn giá bồi thường. Dự kiến Tổng công ty Cao su Đồng Nai sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ dự án trong tháng 5-2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Đối với phạm vi xây dựng sân bay (5.000 ha), UBND huyện Long Thành đã hoàn thành việc ban hành và gửi thông báo thu hồi đất cho 5.283 hộ/15.716 thửa đất trên địa bàn 6 xã. Công tác tập huấn về tuyên truyền vận động chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân có đất bị thu hồi dự kiến hoàn thành trong tháng 4 này. Từ tháng 5, huyện sẽ thành lập 8 tổ thực hiện công tác kiểm kê, đo đạc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng. Phương án bồi thường hỗ trợ và xét tái định cư sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2019. Trong đó địa phương ưu tiên bồi thường, GPMB giai đoạn 1 (khoảng 247 hộ) để đảm bảo kịp thời bàn giao mặt bằng khởi công xây dựng sân bay.
Cũng theo ông Hưng, việc thiết kế khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã hoàn chỉnh. Công tác đấu thầu thi công sẽ hoàn thành trong tháng 7 và khởi công xây dựng trong tháng 9 tới. Phân khu 3 khu tái định cư Bình Sơn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng sẽ hoàn thành công tác lập hồ sơ và khởi công xây dựng trong tháng 9.
Trong quá trình thực hiện tái định cư, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai sẽ ưu tiên thực hiện trước các công trình trường học, các cơ sở tôn giáo. Đây là điều kiện cấp thiết để khi người dân di chuyển đến nơi ở mới được thuận lợi và sớm đồng thuận di dời. Về giao thông kết nối phục vụ xây dựng sân bay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh thực hiện thu hồi đất tuyến đường số 1 và số 3. Bố trí vốn khoảng 407 tỷ đồng để xây dựng đường công vụ phục vụ xây dựng sân bay và khoảng 164 tỷ đồng nhằm thực hiện rà phá bom mìn toàn bộ diện tích sân bay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, về cơ bản tiến độ thực hiện của Đồng Nai rất tốt, tuy nhiên về tổng thể triển khai dự án vẫn chậm kể từ khi có Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, có trách nhiệm, vướng mắc từ chính các bộ, ngành.“Kinh phí đã được Quốc hội bố trí sẵn sàng, cần có giải pháp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, cả về triển khai công tác GPMB lẫn giao thông kết nối nhằm khởi công sân bay trong mốc thời gian Quốc hội cho phép”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh yêu cầu.
Hạn chế phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài
Song song công tác triển khai GPMB Sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai hiện cũng gặp những khó khăn trong đầu tư phát triển. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Vĩnh Vĩnh cho hay, áp lực tăng dân số của Đồng Nai ngày càng lớn. “Hiện tỉnh đã có quy mô dân số trên 3,2 triệu người, chỉ riêng việc gia tăng cơ học từ các tỉnh, thành khác đến Đồng Nai mỗi năm cũng đã hơn 100.000 người. Đây là áp lực rất lớn lên hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề giáo dục, y tế, giao thông… Điều này khiến cho tổng mức chi ngân sách hằng năm của tỉnh tuy lớn nhưng chi cho đầu tư phát triển chỉ còn được khoảng 30% bởi phần lớn nguồn chi phải đảm bảo an sinh xã hội. So sánh trong tương quan giữa Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, dân số Đồng Nai lớn hơn rất nhiều trong khi nguồn thu, chi cũng tương đương nên tỉnh gặp khó khi phân bổ ngân sách cho các dự án hạ tầng”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay.
Bên cạnh đó, Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp thu hút đông đảo doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với lượng công nhân lên tới trên 700.000 người. Kéo theo đó là nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn toàn tỉnh hiện tại cần trên 120.000 căn mới có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, thời gian qua, việc kêu gọi đầu tư rất khó khăn, nên có nguy cơ không đạt chỉ tiêu 20.000 căn nhà ở xã hội mà Đồng Nai đặt ra đến năm 2020.
Đánh giá về thu hút vốn FDI, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, đóng góp của các doanh nghiệp FDI chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế cả nước, tuy nhiên hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu đề ra các giải pháp về chất lượng tăng trưởng để không còn phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp FDI. Trong thời gian tới, Đồng Nai cũng cần có những điều chỉnh để phù hợp với chủ trương chung, song song đó cần tạo các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước phát triển. “Xếp hạng chỉ số PCI của Đồng Nai hiện ở mức trung bình khá so với cả nước và có bước sụt giảm so với 5, 10 năm trước. Do đó địa phương cần có biện pháp để cải thiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, một trong những vấn đề mà Quốc hội quan tâm nhất hiện nay là chế độ, chính sách cho người lao động. Hiện Quốc hội đã giao cho Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội xây dựng đề án về chính sách phúc lợi cho người lao động. Những kiến nghị, đề xuất của Đồng Nai cũng như các địa phương khác, nhất là trong lĩnh vực lao động cần được rà soát kịp thời để sớm giúp các cơ quan của Quốc hội tổng hợp, bổ sung vào đề án.
Vương Thế
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập