Nằm trong dự án “Di sản kết nối”, Hội đồng Anh đã có buổi làm việc với Nhà hát Nghệ thuật Ðồng Nai xung quanh chủ đề nghệ thuật cải lương vào ngày 22-4. Trong chương trình, Nhà hát đã công diễn vở cải lương “Hồi sinh” cùng các trích đoạn cải lương như: “Hồi xuân dược”; “Kiếp tằm”; “Trắng hoa mai”.
Hội đồng Anh đã giao lưu với các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát, trao đổi chuyên môn với NSƯT Ðồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát về nghệ thuật cải lương Ðồng Nai trong thời gian qua cũng như định hướng trong thời gian tới.
“Điểm sáng” cải lương ở Đông Nam bộ
Có mặt tại sân khấu Nhà hát từ sớm, các thành viên của Hội đồng Anh gồm Nhà nghiên cứu văn hóa Hugo Frey, Suzy Joinson (giảng viên Trường đại học Chichester, Anh); nhà nghiên cứu văn hóa Nhung Walsh, giám tuyển hoạt động trưng bày, triển lãm các chủ đề về di sản văn hóa; cố vấn chương trình nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc... chăm chú theo dõi vở diễn, trích đoạn cải lương do các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát biểu diễn. Các vở cải lương không chỉ được Hội đồng Anh quan tâm nhiều tới nội dung mà còn là hình thức, bản sắc văn hóa và đặc trưng của loại nghệ thuật truyền thống này.
Một cảnh trong vở cải lương “Hồi sinh” công diễn trước Hội đồng Anh.
Theo nghệ sĩ Minh Ngọc, việc nghiên cứu lịch sử truyền khẩu cải lương dự kiến tiến hành ở TP. Hồ Chí Minh và miền Tây Nam bộ. Thế nhưng, khi được giới thiệu về Ðồng Nai, trực tiếp xem cải lương và cách làm nghệ thuật của Ðồng Nai, Hội đồng Anh rất bất ngờ. Sân khấu được xây dựng bài bản, từ trang trí, khán phòng đến diễn viên, nhạc công… Tất cả làm bật lên sức sống của Nhà hát, không tĩnh lặng như nhiều nơi mà Hội đồng đã đến trước đó.
“Nhiều người cho rằng, cải lương chỉ phát triển mạnh và có “đất sống” ở TP. Hồ Chí Minh, còn ở tỉnh lỵ còn rất khó khăn và “èo uột”. Tuy nhiên, xem cải lương ở Ðồng Nai, chúng tôi nhận thấy không phải vậy. Ở Ðồng Nai, các nghệ sĩ đã thay phiên nhau đóng “đào chính” rất thuần thục, cách làm này đã góp phần giảm đi áp lực về hiện tượng “ngôi sao” cho Nhà hát. Việc Ðồng Nai tích cực đưa cải lương lưu diễn, tiếp cận với khán giả bình dân, vùng sâu vùng xa… đã cho thấy những nỗ lực lan tỏa nghệ thuật truyền thống của những người thực sự dành tâm huyết cho nó”, bà Minh Ngọc chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hugo Frey cho biết đã từng đi nghiên cứu, tìm hiểu cải lương ở nhiều nơi khác nhau nhưng thực sự rất ấn tượng với cải lương ở Ðồng Nai. Ðể có được sân khấu cũng như lớp nghệ sĩ trẻ tài năng, chắc chắn Ðồng Nai đã được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư đúng mức cho nghệ thuật truyền thống. “Tôi thấy rằng, nghệ sĩ cải lương ở Ðồng Nai rất trẻ, tài năng và tâm huyết. Cách làm nghệ thuật của của Ðồng Nai cũng rất hay, không chỉ phục vụ người lớn tuổi mà còn níu khán giả trẻ. Ðây được xem là điểm sáng của cải lương Ðông Nam bộ”, nhà nghiên cứu văn hóa Hugo Frey nói.
Kỳ vọng…
Sau khi ghi hình và tìm hiểu về cải lương ở Ðồng Nai, Hội đồng Anh tiếp tục nghiên cứu, thu thập tài liệu, hỗ trợ tập huấn và nâng cao năng lực cải lương (bao gồm cả phương thức dạy truyền miệng) ở các địa phương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trong tháng 9 tới, Hội đồng Anh sẽ tổ chức triển lãm, giới thiệu các thước phim đã quay trong thời gian qua; tổ chức tọa đàm chuyên đề cải lương tại TP. Hồ Chí Minh… với hy vọng cải lương sẽ quyến rũ được giới trẻ, để chung sức bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Giám đốc Nhà hát Ðồng Thị Quế Anh cho biết, Nhà hát rất vui và vinh dự khi dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh đến Ðồng Nai, chọn cải lương làm nội dung nghiên cứu. Ðể công diễn trước Hội đồng Anh, Nhà hát đã lựa chọn những vở diễn, trích đoạn vừa mang tính thời sự về xã hội vừa mang đề tài lịch sử, biểu diễn nghiêm túc, đảm bảo tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, Nhà hát đã giới thiệu các hoạt động luyện tập, biểu diễn cũng như xây dựng các chương trình cải lương của Ðồng Nai.
“Sau khi xem các vở diễn, trao đổi chuyên môn, Hội đồng Anh đã có những đánh giá xác thực với thực tiễn hoạt động nghệ thuật của Nhà hát. Ðiều đó là động lực để chúng tôi tiếp tục với hành trình sáng tạo và mang cải lương đến với công chúng. Từ các hoạt động nghiên cứu cải lương, chúng tôi hy vọng dự án sẽ có thêm nhiều chương trình hỗ trợ các hoạt động liên quan đến di sản, đặc biệt là di sản cải lương trong cộng đồng. Từ đó góp phần lan tỏa và quảng bá các loại hình nghệ thuật của dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà còn ra thế giới”, NSƯT Ðồng Quế Anh chia sẻ.
Giám đốc chương trình Nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo Nguyễn Phương Thảo (Hội đồng Anh Việt Nam) cho biết: “Di sản kết nối” là dự án kéo dài 2 năm do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội, tạo nên sự phát triển đồng đều, xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo.
Tại Việt Nam, dự án thực hiện với các di sản nhạc và phim, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một. Dự án nhằm mang đến cách tiếp cận di sản sáng tạo, cho phép cộng đồng trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc bảo vệ và chia sẻ di sản văn hóa. Từ đó thúc đẩy sự hiểu biết, ứng dụng và thụ hưởng các di sản văn hóa này trong đời sống hàng ngày ngay tại cộng đồng địa phương cũng như trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giáo dục khác.
Ly Na
Tác giả: Phạm My Ny
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập