Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Vùng Đông Nam bộ sẽ được “nâng cấp” nếu dự án đường Vành đai 3-TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư để triển khai thực hiện.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai xây dựng sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông đối với tuyến quốc lộ 51.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai xây dựng sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông đối với tuyến quốc lộ 51.
Nhu cầu cấp bách
Nhiều năm qua, hạ tầng giao thông kết nối là “điểm nghẽn” lớn cản trở sự phát triển của Vùng Đông Nam bộ. Điểm nghẽn về kết nối, cơ sở hạ tâng giao thông của Vùng Đông Nam bộ khiến chi phí logistics tăng cao, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị trong vùng đã được cảnh báo từ lâu nhưng mức độ chuyển biến những năm qua là chưa tương xứng với kỳ vọng. Chính vì vậy, việc đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai 3-TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cấp thiết và cấp bách.
Trong chuyến khảo sát thực tế dự án đường Vành đai 3 vào ngày 19-5 vừa qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3-TP.HCM là “hết sức cần thiết và cấp bách”.
Theo UBND TP.HCM, hiện nay, các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến quốc lộ hướng tâm như quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1 đều đã quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của thành phố. Thời gian tới, khi Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 với công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm dự kiến khai thác vào năm 2025, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TP.HCM cũng như các địa phương trong vùng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ về ùn tắc giao thông sẽ càng tăng cao.
Do đó, việc đầu tư các tuyến đường vành đai, trong đó có đường Vành đai 3-TP.HCM cần được ưu tiên đặc biệt để cải thiện tình trạng giao thông của TP.HCM cũng như kết nối với các tỉnh lân cận trong Vùng Đông Nam bộ.
Tương tự, việc đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được đánh giá ở mức độ rất cần thiết và cấp bách. Trên thực tế, với lưu lượng xe lưu thông đã vượt gấp 3 lần công suất thiết kế, quốc lộ 51, tuyến giao thông chính kết nối 3 địa phương trong Vùng Đông Nam bộ gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM đã rơi vào tình trạng quá tải từ lâu. Quốc lộ 51 cũng là tuyến đường có tần suất xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe cao nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa X vào ngày 24-7 vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cũng cho rằng, quốc lộ 51 hiện đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Tạo động lực phát triển mới
Theo UBND TP.HCM, các dự án đường vành đai TP.HCM trong đó có dự án đường Vành đai 3-TP.HCM sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của thành phố. Đồng thời, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đường cao tốc, quốc lộ hướng tâm, hình thành mạng lưới giao thông chiến lược cho cả vùng.
Về mặt liên kết giao thông, đây cũng là dự án giúp kết nối, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Vùng Đông Nam bộ nói riêng. Từ đó, phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các địa phương, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng. Cùng với đó, dự án đường Vành đai 3-TP.HCM cũng sẽ mở rộng không gian phát triển các khu đô thị mới, các KCN, dịch vụ logistics dọc hai bên tuyến đường tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế của TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ.
Ngoài vai trò kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, đường Vành đai 3-TP.HCM còn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, giải quyết nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng và góp phần phân bố lại mật độ dân cư. Tạo điều kiện phát triển nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp trong khu vực Đông Nam bộ. Đồng thời, giảm lưu lượng các phương tiện đi qua các khu vực đô thị đông dân cư, từ đó giảm thiểu tác động môi trường về khí thái, tiếng ồn, nâng cao chất lượng môi trường đô thị.
Trong khi đó, đánh giá về vai trò của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa X, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng quốc gia, nếu được đầu tư xây dựng sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn, mở ra con đường huyết mạch góp phần mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Đồng Nai. Tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là khi kết hợp với sân bay Long Thành, kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành.