Do dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư mới vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ảnh hưởng do dịch bệnh còn có nguyên nhân là và diện tích đất cho thuê trong các khu công nghiệp còn ít.
Theo UBND tỉnh, trong 10 tháng của năm 2020, thu hút đầu tư FDI vào tỉnh đạt 953,2 triệu USD, bằng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cấp mới 61 dự án với tổng vốn đăng ký 261,8 triệu USD và 100 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 691,4 triệu USD.
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đã gần lấp đầy diện tích đất cho thuê
*Dịch bệnh ảnh hường thu hút FDI
Dòng vốn FDI đầu tư mới vào tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, dẫn đến việc đi lại giữa các nước bị hạn chế. Do đó, các doanh nghiệp (DN) FDI muốn đến Việt Nam cũng như Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư mới bị cản trở. Bên cạnh đó, dịch bệnh làm kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên nhiều tập đoàn phải tìm cách chống đỡ, duy trì các nhà máy hiện tại nên cũng giảm bớt đầu tư mới.
Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Dịch bệnh Covid-19, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút dòng vốn FDI đầu tư mới vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do dịch bệnh nhiều chuyến bay giữa các quốc gia bị tạm ngưng, DN FDI khó đến Việt Nam để tìm hiểu địa hình, chính sách đầu tư. Vì thế, nhiều dự án dự tính đầu tư vào tỉnh buộc phải đợi dịch bệnh lắng xuống mới tiếp tục thực hiện”. Cũng theo ông Cường, các DN FDI rất cẩn thận, trước khi muốn đầu tư mới vào địa phương nào, họ đều đến thực địa tìm hiểu kỹ về chính sách, đất đai, khí hậu, lao động, sau đó mới quyết định.
Ông Ariga Masahiro, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Forval Việt Nam cho hay: “Công ty hiện đang hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa xây dựng khu nhà xưởng cho thuê tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 khá thành công. Có nhiều DN FDI đã thuê nhà xưởng để sản xuất, song dịch bệnh Covid-19, khiến làn sóng FDI đầu tư mới từ đầu năm đến nay chậm lại, nhiều DN đã dự tính ký hợp đồng thuê nhà xưởng cuả công ty đã đề xuất lùi thời gian lại đợi dịch lắng xuống mới ký hợp đồng đầu tư mới”.
Không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh thành khác trong cả nước dòng vốn FDI đầu tư mới cũng giảm mạnh. Theo Bộ KH-ĐT, 8 tháng của năm 2020, thu hút đầu tư FDI trên cả nước chỉ đạt hơn 19,5 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm trước.
*Chuẩn bị để đón đợt đầu tư mới
Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành chuẩn bị sẵn các điều kiện để sau dịch đón được làn sóng đầu tư FDI dịch chuyển về Việt Nam. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai sẽ là một trong những điểm đến được nhiều DN, tập đoàn trên thế giới chú ý và muốn rót vốn vào trên lĩnh vực công nghiệp, logistics, thương mại... Tuy nhiên, muốn đón dòng vốn FDI lớn tỉnh phải có sẵn điều kiện cần và đủ cho nhà đầu tư.
Ông Tetsuji Kobayashi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kobe En&M Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chia sẻ: “Dự kiến tới đây, công ty sẽ mở rộng sản xuất nên sẽ cần một diện tích lớn để xây dựng thêm nhà xưởng. Thế nhưng, qua tìm hiểu các khu công nghiệp của tỉnh diện tích còn rất ít, DN muốn thuê thêm khoảng 10-20 ha rất khó khăn, nếu không tìm được có thể công ty phải qua tỉnh lân cận để đầu tư”.
Khá nhiều DN FDI tại Đồng Nai đều nói, đang có ý định tới đây sẽ mở rộng sản xuất tại tỉnh và có nhiều DN đối tác cũng muốn đầu tư vào tỉnh để liên kết cung ứng sản phẩm cho nhau, nhưng lại khó tìm được diện tích đất rộng để thuê. Đây chính là hạn chế lớn của tỉnh nếu không khắc phục sớm sẽ bỏ lỡ nhiều dự án FDI có vốn lớn và công nghệ hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, các sở ngành, địa phương là phải nhanh chóng đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, các khu công nghiệp đầu tư mới, mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của các nhà đầu tư trong nước và FDI. Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ làm nhanh các thủ tục đề xuất Chính phủ phê duyệt, cập nhật các khu công nghiệp mới vào quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam. Từ đó, tỉnh sẽ mời gọi nhà đầu tư hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm có diện tích đất công nghiệp lớn cho nhà đầu tư thuê.
Vi Quân