Để tạo động lực cho phát triển kinh tế, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ thực hiện nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật. Dự tính nguồn vốn đầu tư lên đến hơn 70 ngàn tỷ đồng. Một số dự án cần vốn đầu tư từ 3-7 ngàn tỷ đồng/dự án.
Trên địa bàn tỉnh có 5 địa phương cần vốn đầu tư ha hạ kỹ thuật lớn là TP.Biên Hòa, H.Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP. Long Khánh. Tỉnh xác định, đầu tư hạ tầng nhằm tạo đột phá cho phát triển, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn và nâng thu nhập cho người dân.
Ở huyện Cẩm Mỹ tuyến đường giao thông lớn đã mở ra hướng phát triển kinh tế.
*Vốn lớn thực hiện dự án
Qua tổng hợp từ các địa phương trong tỉnh, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là hơn 52,6 ngàn tỷ đồng và chủ yếu đầu tư làm đường, cầu, hệ thống cấp nước, thoát nước, hồ chứa nước, trạm y tế, trường học... Đến cuối tháng 10-2020, nhiều dự án mới đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ và phải chuyển tiếp qua giai đoạn tới để làm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 nhiều dự án lớn trên lĩnh vực hạ tầng để bố trí vốn thi công và mời gọi đầu tư từ các nguồn vốn khác.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay: “Thành phố đã hoàn thành danh mục các dự án đầu tư công trung hạn 5 năm từ 2021-2025 và đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn theo từng năm. Dự tính nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn gần 14 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn TP.Biên Hòa còn có gần 10 dự án quan trọng của tỉnh, cần nguồn vốn trên 10 ngàn tỷ đồng để thực hiện”.
Một số dự án của tỉnh cần vốn đầu tư công lớn trong những năm tới là đường ven sông Đồng Nai; đường ven sông Cái; đường Trục trung tâm TP.Biên Hòa; Hương lộ 2; đường liên cảng Phước An; cầu Cát Lái; đường 25C; 25B; hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng quy hoạch hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị cũng cần nguồn vốn lớn đầu tư đường giao thông kết nối, điện nước.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết: “Trong 5 năm tới, H.Nhơn Trạch cần nguồn vốn hơn 10 ngàn tỷ đồng để đầu tư các tuyến đường, cầu để kết nối giao thông vùng. Các dự án giao thông của trung ương, tỉnh, huyện nếu được đầu tư đúng theo lộ trình, đưa vào khai thác sẽ giúp cho huyện hoàn thành tiêu chí lên thị xã, thành phố”. Hiện H.Nhơn Trạch đang tiến hành cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái và đường liên cảng Phước An. Dự tính riêng cầu Cát Lái có tổng vốn đầu tư khoảng 7,2 ngàn tỷ đồng, đường liên cảng Phước An là 6,2 ngàn tỷ đồng. H.Nhơn Trạch cần thêm hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng đường 25B, 25C... Tuy nhiên, nếu đầu tư hạ tầng H.Nhơn Trạch tốt, kết nối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, ngân sách có thể tăng thu 10 ngàn tỷ đồng/năm ở H.Nhơn Trạch từ cảng và các doanh nghiệp.
*Ưu tiên cho dự án giao thông
H.Long Thành, Trảng Bom đã có kế hoạch sẽ trở thành thị xã trong giai đoạn 2021-2025. Vì thế, các địa phương trên cần phân bổ, huy động nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng để triển khai nhiều tuyến đường giao thông để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội. H.Long Thành đang gấp rút hoàn thành hồ sơ thực hiện nhiều tuyến đường xung quanh sân bay để giao thông thuận lợi. Kế hoạch của tỉnh sẽ xây dựng H.Long Thành trở thành thành phố sân bay.
Theo Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Hữu Đảng, huyện ưu tiên nguồn vốn triển khai các tuyến đường giao thông kết nối tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư các dự án trên các lĩnh vực. Những nơi mở ra các tuyến đường giao thông lớn thường giúp cho khu vực xuung quanh phát triển nhanh hơn.
Các huyện vùng ven sân bay cũng bắt lấy cơ hội, đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế cho địa phương. Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn chia sẻ: “Huyện cần hơn 1,3 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công để làm một số tuyến đường, hồ chứa nước trong 5 năm tới. Các tuyến đường giao thông rất cần thiết vì kết nối với 2 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp. Hồ chứa nước là để cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp”.
Vi Quân