Hướng đến nền kinh tế đổi mới-sáng tạo

Chủ nhật - 15/11/2020 15:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Việc hội nhập kinh tế ngày càng sâu, tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ ngày càng nhanh, thế giới biến đổi liên tục đã đòi hỏi Đồng Nai phải đặt ra cho mình chiến lược phát triển mới. Trong đó, đổi mới - sáng tạo được coi là vấn đề đặc biệt quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững.
z2169812381006_9a714df4a5e53fea0434c681a7547cfe.jpg
Đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất là yêu cầu bắt buộc đối với nền kinh tế trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. 
Sau 35 năm đổi mới, dù đạt được nhiều thành quả song nhìn nhận một cách khách quan, kinh tế Đồng Nai phát triển chưa như mong đợi. Tỷ lệ hàm lượng tri thức công nghệ cao còn khá thấp. Những ngành công nghiệp được coi là chủ lực của tỉnh như: dệt may, da giày, điện tử còn sử dụng nhiều lao động, tỷ lệ giá trị gia tăng còn thấp. Kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể còn yếu và vẫn dựa vào kinh tế FDI.
Cuối năm 2019, khi Đồng Nai tổ chức hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho hay, Đồng Nai đã tích cực, chủ động để tìm ra những hướng đi mới trong phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến với những khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Những khó khăn, thách thức chỉ có thể được giải quyết khi có sự chung sức của cả nền kinh tế, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của chính quyền đến sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế. Trong đó yêu cầu về đổi mới sáng tạo là một nội dung mang tính quyết định.  
Cùng quan điểm, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định, thế giới ngày nay đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại sự thay đổi trong đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Động lực tăng trưởng chủ yếu là dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mô hình tăng trưởng của nước ta thời gian qua đang phụ thuộc quá nhiều vào chiều rộng, mới bước đầu thay đổi theo chiều sâu. Mặc dù tạo ra nhiều thành tựu, giải quyết việc làm cho người dân, song dư địa phát triển của mô hình kinh tế cũ không còn nhiều. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới không cao. Thậm chí nếu không cẩn thận, mô hình kinh tế này trở thành “bẫy hội nhập” của Việt Nam. Do vậy việc chuyển đổi mô hình kinh tế đang đặt ra một cách bức thiết.
Là vùng kinh tế lớn nhất cả nước với đầu tàu là TP. Hồ Chí Minh, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ có điều kiện để hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong tương lai, khi hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối ngày càng đồng bộ thì cơ hội phát triển cũng rất lớn. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới, những kinh nghiệm, mô hình hay trong đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu thế thế giới là rất quan trọng.
Đối với Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Xu thế đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh trên thế giới. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh, thành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực”.
 
Nam Vũ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây