Chỉ với 3 triệu đồng, một nhóm học sinh Trường THCS Đồng Hiệp (xã Phú Điền, H.Tân Phú) đã sáng chế được bộ thiết bị hỗ trợ quản lý xe của học sinh trong nhà trường. Sáng chế đơn giản, dễ thực hiện và có thể ứng dụng trong thực tiễn.
Đó là một trong những “quả ngọt” của việc phát triển giáo dục STEM mà Trường THCS Đồng Hiệp đã thực hiện trong suốt những năm qua.
Nguyễn Thị Hương Giang, học sinh lớp 8/3 (học sinh đứng) đang trao đổi với giáo viên trong một buổi sinh hoạt CLB STEM
* Sáng chế đơn giản nhưng hiệu quả
Là trường học thuộc huyện vùng xa Tân Phú, Trường THCS Đồng Hiệp có quy mô hơn 600 học sinh. Ngoài số ít em được cha mẹ đưa đón, đa số học sinh đều tự đi học bằng xe đạp. Thỉnh thoảng sẽ có học sinh đi học muộn giờ, trốn học; một vài học sinh nghịch ngợm thì xì lốp, bẻ tay lái xe của bạn, thậm chí đã từng xảy ra tình trạng mất xe. Từ thực tế này, một nhóm học sinh trong CLB STEM của trường đã quyết định làm bộ thiết bị hỗ trợ quản lý xe của học sinh trong nhà trường.
Với sáng chế này, nhóm đã đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng H.Tân Phú năm 2021. Hiện nhóm đang tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để tham gia cuộc thi cấp tỉnh.
Nhóm đã tìm hiểu và quyết định sử dụng máy quét mã (code) tích hợp với phần mềm VNEdu mà nhà trường đang sử dụng với đầy đủ thông tin và lý lịch của học sinh. Từ việc trích xuất dữ liệu Excel trong hệ thống VNEdu, nhóm lọc ra thông tin những học sinh đi xe đạp và tạo mã trên trang Google Sheet. Sau đó in mã rồi cấp cho học sinh để các bạn dán lên xe. Bằng cách đơn giản này, việc kiểm soát xe ra, vào trường bằng máy quét mã vạch trở nên rất dễ dàng, thuận tiện.
Để thêm tính năng cho hệ thống, nhóm đề xuất việc sử dụng máy quét mã vạch này để điểm danh học sinh toàn trường bằng cách “quẹt” thẻ học sinh. Hệ thống được tích hợp với hệ thống VNEdu nên có thể ngay lập tức gửi tin nhắn SMS báo cho phụ huynh học sinh để theo dõi, giám sát lịch trình đi học của con em mình. Bên cạnh đó, nhóm cũng đề xuất trang bị thêm hệ thống camera giám sát ở nhà xe để hỗ trợ việc kiểm soát xe của giáo viên, học sinh.
Điểm cộng cho sáng chế này là dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian hoàn thành, vật liệu dễ tìm, giá thành rẻ (chỉ khoảng 3 triệu đồng) mà có thể sử dụng được lâu dài.
Em Thân Nguyễn Hoàng Trọng, học sinh lớp 6/1 Trường THCS Đồng Hiệp (xã Phú Điền, H.Tân Phú, bìa phải) đang cầm máy quét mã vạch, chạy thử bộ thiết bị hỗ trợ quản lý xe của học sinh trong nhà trường
* “Quả ngọt” của câu lạc bộ STEM
Em Thân Nguyễn Hoàng Trọng, học sinh lớp 6/1, là đồng tác giả của sáng chế trên. Năm đầu tiên gia nhập CLB STEM nhưng Hoàng Trọng đã không còn bỡ ngỡ với các hoạt động học tập, sáng tạo của CLB. Em đã cùng với các bạn tham gia ngày hội STEM của trường. Ngày hè, trong khi nhiều học sinh loay hoay không biết tìm sân chơi bổ ích thì Trọng lại cùng với các anh chị trong CLB tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để dự thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng.
Hoàng Trọng cho biết: “Hoạt động của CLB STEM đã giúp em phát triển những kỹ năng tiềm ẩn của bản thân. Việc quan sát, học hỏi từ các anh chị và các bạn thông qua ngày hội STEM giúp em có thêm nhiều kinh nghiệm và thêm hào hứng với các hoạt động sáng tạo”.
Em Nguyễn Thị Hương Giang, học sinh lớp 8/3, một trong 4 tác giả của sáng chế nêu trên, tham gia CLB STEM của trường từ năm học lớp 6. Em là thành viên năng nổ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao. Trái với quan niệm của nhiều người rằng lĩnh vực khoa học kỹ thuật thích hợp cho nam giới, Hương Giang cho rằng bất kỳ hoạt động sáng tạo nào cũng không nên phân biệt nam, nữ. “Nếu có đam mê và có tinh thần trách nhiệm để theo đuổi đam mê là có thể làm được”- cô học trò nhỏ tự tin chia sẻ.
Cũng theo Hương Giang, bằng cách sinh hoạt CLB STEM của nhà trường, em đã được tự do tìm hiểu, tư duy, mở rộng hiểu biết, sáng tạo mà không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Em cũng có thể học hỏi và hợp tác với các bạn trong công việc. Đây là những điều khó có được nếu chỉ gói gọn trong lớp học truyền thống.
Hoàng Giang