Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH), do Bộ TT-TT ban hành có hiệu lực từ ngày 17-6, nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận. Theo đó, nhiều người kỳ vọng bộ quy tắc sẽ góp phần điều tiết hành vi của người tham gia mạng xã hội, chỉ dẫn người dùng mạng ứng xử chuẩn mực hơn góp phần làm cho môi trường “mạng” sạch hơn
Giảm thông tin rác trên mạng
Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 70 triệu người đang sử dụng MXH. điều này cho thấy mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Môi trường MXH vốn rất phong phú, đa dạng với nhiều thông tin tích cực nhưng cũng không ít thông tin tiêu cực, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần của người khác... Những sự việc sai lệch, thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật trên MXH xảy ra trong thời gian gần đây rất đáng lo ngại.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ giúp người dùng có trách nhiệm hơn khi tham gia mạng xã hội. Trong ảnh: một bạn đọc ở TP.Biên Hòa theo dõi livestream trên mạng xã hội
Để xử lý những vi phạm nêu trên, ngoài việc xây dựng hành lang pháp lý thì giải pháp giáo dục ý thức người dùng thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên MXH vừa được Bộ TT-TT ban hành được nhiều người kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian tới, góp phần làm “sạch” hơn môi trường MXH.
Nhận xét về bộ quy tắc trên, anh Nguyễn Văn Tiến (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử có nội dung rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, tôi tin rằng khi nắm được các quy tắc sẽ giúp người dùng MXH hình thành thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử trên mạng. Bộ quy tắc sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật hướng tới một môi trường mạng an toàn, lành mạnh
Theo anh Tiến, thời gian gần đây tính năng livestream trên MXH được người dùng sử dụng khá phổ biến vào các mục đích: kinh doanh online, để quảng bá hình ảnh cá nhân, “câu like”, tăng lượng người theo dõi kênh... Tuy nhiên, trong không ít livestream này có những nội dung tiêu cực, phản cảm, phát ngôn gây thù hận, xúc phạm danh dự cá nhân, tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... Thực trạng này cần được chấn chỉnh theo những quy tắc đã được ban hành, nhằm vừa bảo đảm quyền tự do cá nhân, kinh doanh, vừa lành mạnh hóa MXH.
Để tạo ra một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, ông Nguyễn Thế Hùng, Trung tâm Khoa học - công nghệ (Sở KH-CN) cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là của cả cộng đồng. Trong đó có vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH và ý thức của người dùng trong việc rà soát, ngăn chặn từ gốc, đẩy lùi các hành vi ứng xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Để bộ quy tắc đi vào cuộc sống…
Theo Sở TT-TT, để dọn “rác mạng”, thời gian qua các cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều văn bản, quyết định xử lý các hành vi vi phạm. Mới nhất là việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, dù không có tính bắt buộc thực thi như một văn bản pháp luật nhưng bộ quy tắc là căn cứ quan trọng để xây dựng quy định về ứng xử khi tham gia MXH của mỗi cơ quan, đơn vị, có tác dụng định hướng, giúp điều chỉnh hành vi của người sử dụng MXH.
Để bộ quy tắc được phổ biến rộng rãi đến người dân, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, Sở TT-TT đã có văn bản triển khai nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đến các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh đề nghị triển khai thực hiện.
Theo Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga, để Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đi vào cuộc sống, phát huy những hiệu quả thiết thực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền. Không chỉ có cơ quan chức năng mà các tổ chức xã hội, nhà trường… phải góp phần truyền thông để mọi người, nhất là giới trẻ nắm rõ các giá trị cốt lõi của bộ quy tắc. Dựa theo bộ quy tắc này để xây dựng bộ quy tắc riêng, phù hợp với đặc thù công việc cho từng tập thể, đơn vị. Cụ thể hóa bộ quy tắc khung của Bộ TT-TT thành những chỉ dẫn sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng bối cảnh… theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng để người dùng xem nó như một phần thiết yếu không thể thiếu khi tham gia MXH.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Hồ Hồng Nguyên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thông qua các fanpage của Đoàn từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức Đoàn trong tỉnh đã triển khai nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đến đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Qua đó, giúp đoàn viên nắm rõ hơn, cụ thể hơn nội dung bộ quy tắc, biết những việc nên và không nên làm khi tham gia mạng MXH. Từ đó, giúp các bạn trẻ sử dụng MXH một cách lành mạnh, có ý thức, biết chọn lựa và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực, giúp ích cho cộng đồng.
Để bộ quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, theo chị Hồ Hồng Nguyên nên làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi người biết đến Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là gì, nó có vai trò như thế nào. Khi đã hiểu rõ, nắm rõ thì việc đưa bộ quy tắc vào cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể cũng cần nhanh chóng đưa bộ quy tắc ứng xử vào các tiêu chí thi đua, nội quy, quy chế làm việc của từng địa phương, đơn vị. Song song đó, cũng cần tăng cường xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật khi tham gia MXH. Đặc biệt, quy tắc xử phạt phải theo hướng để người dân tự điều chỉnh hành vi chứ không phải tăng lực lượng giám sát, xử phạt.
Nhật Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập