Vừa qua, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường chủ trì buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh và các sở, ngành liên quan về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ nông dân.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Phan Anh
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Phan Anh
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh là hết sức cần thiết. Vì thực tế hiện nay, các hoạt động hỗ trợ hội viên hội nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao. Hội Nông dân các cấp không đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp; hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế. Cần thiết có sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở về phương thức, cơ chế hoạt động và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hỗ trợ nông dân. Trung tâm hỗ trợ nông dân sẽ trực tiếp hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội nông thôn, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh; xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ nông dân của tỉnh gặp một số vướng mắc, khó khăn như: chưa đáp ứng yêu cầu pháp lý tại địa phương; vướng về cơ chế tài chính, nhất là chưa đảm bảo các điều kiện về kinh phí hoạt động; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu; nguồn nhân lực …

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Anh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Anh
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, tỉnh cần có Trung tâm hỗ trợ nông dân nhằm phát huy vai trò của Hội Nông dân ở các cấp cơ sở, trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt thể hiện vai trò hỗ trợ nông dân về đầu vào và đầu ra sản phẩm; trong ứng dụng khoa học kỹ thuật; trong việc tổ chức đi tham quan, học tập các mô hình hay trong và ngoài nước… Hội Nông dân tỉnh phải tính toán nguồn nhân lực của trung tâm chỉ gói ghém trong số biên chế được giao; hoạt động hiệu quả để cân đối, tự chủ về mặt tài chính.
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường kết luận, Hội Nông dân muốn phát huy vai trò, tổ chức hoạt động hiệu quả phải có Trung tâm hỗ trợ nông dân vì giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh thuộc tốp đầu cả nước; có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội.
Phó bí thư Quản Minh Cường giao cho Hội Nông dân tỉnh hoàn chỉnh lại đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ nông dân, nghiên cứu lại mô hình, tiếp cận ở góc độ khác theo hướng tự chủ, tự chi, tự chịu trách nhiệm. Trong đó, mục đích hoạt động của trung tâm không chỉ hỗ trợ sản xuất mà phải hỗ trợ bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe con người. Nguồn kinh phí từ chính hiệu quả hoạt động của trung tâm.
Đến nay, cả nước có 51 tỉnh, thành đã thành lập các Trung tâm hỗ trợ nông dân với nhiều tên gọi khác nhau. Trong đó, có 4 tỉnh các trung tâm này tự chủ về tài chính, còn lại là tự chủ một phần.