Chú ý cách ứng xử với con khi cha mẹ ly hôn

Thứ tư - 17/08/2022 09:45
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo nhận định từ TAND tỉnh, tình trạng ly hôn đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, TAND 2 cấp đã tiếp nhận 7 ngàn vụ ly hôn, tăng gần 1 ngàn vụ so với 5 tháng đầu năm 2021. Phần lớn vụ ly hôn diễn ra ở những người trẻ, thời gian kết hôn dưới 3 năm
Ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng khi vợ chồng không còn cùng nhìn về một hướng. Gia đình tan vỡ chắc chắn sẽ để lại tổn thương không nhỏ cho những người trong cuộc, đặc biệt là con trẻ.

 
Mẹ con chị V.T. những ngày còn được ở bên nhau
Mẹ con chị V.T. những ngày còn được ở bên nhau

Quyết định vẫn làm bạn với nhau, cùng chăm sóc con hay dùng con cái để “trả” hận, để làm người kia đau lòng? Sự tổn thương của con trẻ nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của những người cha, người mẹ sau ly hôn.

* Không còn nhìn nhau, nhưng hãy nhìn về con

Khi cha mẹ ly hôn, con cái là người thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, sự tổn thương và mất mát của các con giảm đi rất nhiều nếu cha mẹ tuy không còn nhìn nhau,nhưng vẫn cùng nhìn về con.

Trường hợp chị N.H.O. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Chị O. đã quyết định ly hôn chồng sau 11 năm chung sống. Có với nhau 2 người con, khi ly hôn, chị O. muốn được nuôi cả 2 con, nhưng chồng cũ của chị không bằng lòng nên tòa xử mỗi người nuôi một người con.

Cuối cùng, con gái lớn 10 tuổi theo cha, con trai nhỏ 7 tuổi theo mẹ. Tuy vợ chồng chia tay, nhưng mỗi cuối tuần chị lại ghé nhà chồng cũ đón con gái về chơi hoặc đưa con trai sang nhà bố chơi với chị. Trong khi chờ bọn nhỏ chơi đùa cùng nhau, chị lại dọn dẹp nhà cửa hay trang trí lại phòng cho con gái. Song, thời gian sau, chồng cũ thường xuyên đi làm về khuya, thấy con gái ở nhà một mình bất tiện nên chị đã xin chồng cũ để được quyền nuôi luôn con gái lớn với cam kết anh vẫn được tới thăm con hoặc hai đứa nhỏ vẫn sẽ được về nhà cha chơi nếu muốn.

“Tôi nghĩ rằng, vợ chồng mặc dù không sống chung với nhau nhưng con cái và những người thân của họ không có lỗi. Trước đây ngày lễ, Tết vợ chồng tôi vẫn đưa con về thăm ông bà nội, giờ tôi vẫn duy trì việc này. Tôi muốn giữ cho các con cuộc sống bình thường, ít bị xáo trộn nhất có thể, để các con thấy sự chia tay của cha mẹ cũng chỉ là chuyện không sống chung trong cùng một mái nhà” - chị O. chia sẻ.

Thực tế, không ít trường hợp vợ hoặc chồng sau ly hôn được giao quyền nuôi con đã cấm người kia tiếp cận, đi lại thăm hỏi, vì suy nghĩ “người kia” không đủ tư cách gặp con, khiến đời sống tinh thần của con trẻ bị đảo lộn. Cá biệt, để kéo con về “phe” mình, cha hoặc mẹ - người được nuôi con hằng ngày “rót” vào tai con trẻ những lời xấu xa về người kia, khiến trẻ thiếu đi sự tin yêu và kính trọng với cha hoặc mẹ của mình.

Đã 3 năm nay, chị V.T. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn luôn đau đáu tìm cách giành lại cô con gái mà tòa án đã tuyên giao quyền chăm sóc cho chồng cũ khi 2 người ly hôn. Chị T. tâm sự, vì còn lấn cấn chuyện tài sản chung nên chồng chị dùng con để gây áp lực với chị trong việc phân chia tài sản.

Biết chị thương con gái nên chồng cũ sau khi được tòa giao quyền chăm sóc con thường hạn chế cho chị gặp gỡ hay tiếp xúc với con. Anh này ra điều kiện, muốn được nuôi con chị phải giao cả căn hộ của 2 người cho anh ta.

Chị T. cho biết: “Hiện nay, chồng cũ của tôi đã ở với một phụ nữ khác, người này có con trai đang tuổi thiếu niên khiến tôi rất lo lắng cho sự an toàn của con gái. Đặc biệt là thời gian gần đây, khi có những vụ người tình của cha, mẹ đã bạo hành, bức tử con riêng của chồng/vợ đến chết. Hiện con gái tôi đã 6 tuổi, chờ sang năm cháu đủ 7 tuổi, tôi sẽ khởi kiện ra tòa trưng cầu ý kiến xem cháu muốn ở với ai”.

Theo chị T. chị rất muốn ly hôn một cách có văn hóa, nghĩa là dù cha mẹ không ở với nhau, nhưng trong mắt con, bé vẫn có ba mẹ, vẫn được ba mẹ yêu thương và cả hai cùng nhau dành những sự tốt đẹp nhất cho con… Nhưng gia đình chị đã không được như thế, chị thấy thương mình và tủi cho con.

* Nên chuẩn bị tâm lý tiếp nhận cho con

ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) cho biết, sau ly hôn, dù trẻ sống cùng ai thì vẫn có những xáo trộn và chấn thương tâm lý. Sự ảnh hưởng từ những sang chấn tâm lý này rất đa dạng, nếu người lớn không tinh ý nhận ra và có cách xoa dịu sẽ làm tổn thương sâu sắc đến tinh thần của con trẻ. Việc này sẽ nghiêm trọng hơn nếu cha hoặc mẹ nhanh chóng gặp gỡ, chung sống với người khác trong khi trẻ không được chuẩn bị trước về mặt tâm lý.

Theo ông Nguyễn Công Bình, người lớn hãy chú ý cách ứng xử sau ly hôn để tránh những cú sốc tâm lý cho trẻ. Nên nhẹ nhàng giải thích cho con về lý do cha mẹ không thể sống chung với nhau, lý do có sự xuất hiện của người mới. Cũng như tập trung vào cảm xúc của con và khẳng định rằng, dù cha mẹ không tiếp tục chung sống, khi sống cùng với một người nào đó thì con vẫn là con của cha/mẹ, con vẫn luôn được yêu thương, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ.

Đặc biệt, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý tiếp nhận những thay đổi trong gia đình ở con trẻ. Đối với những trẻ ở tuổi đủ nhận biết thì nên nói với con những suy nghĩ về sự đổi thay này, nhưng người này không nên công kích người kia, mà hãy tập trung vào tâm lý tiếp nhận của con, để con có sự quen dần và nhất là không được để trẻ có cảm giác mình bị mất cha hoặc mất mẹ.

“Sau khi chia tay, dù con ở với cha hay với mẹ thì người còn lại cũng cần duy trì nếp sinh hoạt bình thường cho trẻ. Ví dụ, trẻ ở với mẹ nhưng trước đó hằng ngày việc đưa đón con là của cha thì người cha nên duy trì thói quen này. Chính việc đặt cho trẻ những trách nhiệm cùng sự tự tin để đồng hành với mình trong một gia đình đơn thân sẽ là liều thuốc xoa dịu các chấn thương tâm lý ở trẻ, giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, biết đương đầu với cuộc sống trong tương lai” - ông Nguyễn Công Bình cho biết.

Tác giả: Hạ Di

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây