(CTT - Đồng Nai) - Các doanh nghiệp (DN) dù là lớn hay nhỏ, lâu năm hay mới thành lập thì bộ nhận diện thương hiệu là chìa khóa cực kỳ quan trọng giúp các khách hàng nhận biết và nhớ về thương hiệu, sản phẩm và DN. Bộ nhận diện thương hiệu cũng là phương tiện giao tiếp giữa khách hàng và DN, nhất là các DN Việt, góp phần tăng năng suất bán hàng và thể hiện tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thời trang Việt tại một cửa hàng ở TP.Biên Hòa.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thời trang Việt tại một cửa hàng ở TP.Biên Hòa.
Việc xây dựng thương hiệu đã khó, việc duy trì và giữ vững thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường như hiện nay lại càng khó hơn. Điều này đòi hỏi các DN cần chủ động thay đổi tư duy, nắm bắt những cơ hội và tạo ra được dấu ấn riêng trong quá trình hội nhập.
Tại Đồng Nai, những năm qua, nhiều thương hiệu hàng hóa đã được người tiêu dùng đón nhận như: Đường Biên Hòa (Công ty CP Đường Biên Hòa), Lothamilk (Công ty CP Lothamilk), Vinacafé (Công ty CP Vinacafé Biên Hòa), Donafoods (Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm), Donagamex (Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai), Donasa (Công ty CP Sơn Đồng Nai), Bibica (Công ty CP Bibica), GCfood (Công ty CP Thực phẩm G.C), Casumina, Ắc quy Đồng Nai, Nam Long, Ca cao Trọng Đức…
Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) Đặng Tường Khanh cho hay, công ty luôn quan tâm tới việc phát triển những giá trị thương hiệu theo hướng chuyên nghiệp, cũng như tích cực mở rộng các kênh quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh kết nối giao thương, phát triển các kênh tiếp thị. Qua đó, góp phần nâng cao tính nhận diện về thương hiệu đến với người tiêu dùng.
Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho hay, hàng Việt đã dần có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, nhiều DN trong nước đã chú trọng nhiều hơn tới bộ nhận diện thương hiệu, tăng cường các kênh tiếp thị, chương trình khuyến mãi, chuỗi sự kiện truyền thông để mở rộng “độ phủ” thương hiệu đến người tiêu dùng nhiều hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) Vũ Đình Trung nhấn mạnh, qua nhiều cuộc khảo sát người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, vấn đề thương hiệu, uy tín của sản phẩm là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động thông tin về các sản phẩm, thương hiệu Việt uy tín, đưa các sản phẩm hàng Việt chất lượng, sản phẩm địa phương tiêu biểu, nổi bật đến gần với người tiêu dùng trong tỉnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều DN địa phương dù đã xác định được chiến lược phát triển nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu vốn để phát triển thương hiệu. Do đó để viết tiếp những câu chuyện thương hiệu thì bên cạnh sự chủ động của DN rất cần có thêm các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương.