Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam

Thứ tư - 30/08/2023 10:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT- Đồng Nai) Toàn tỉnh có hơn 5,5 ngàn gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Trong số này có hơn 3,3 ngàn gia đình có từ 2 đến 5 nạn nhân chất độc da cam. Cuộc sống của những gia đình này có điểm chung là đều khó khăn về vật chất, chịu nỗi đau lớn về tinh thần.

Ông Nguyễn Trai (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) chăm sóc con gái là nạn nhân chất độc da cam
Ông Nguyễn Trai (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) chăm sóc con gái là nạn nhân chất độc da cam

Mỗi gia đình một khó khăn

Như gia đình ông Đào Văn Phố (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) có 5 thành viên thì cả 5 đều là nạn nhân da cam. Ông Phố từng tham gia kháng chiến và được xác định là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động 61%. Cả 4 đứa con của ông sau khi sinh ra đều bị khuyết tật và được xác nhận là nạn nhân chất độc da cam.

Sau khi vợ qua đời, một mình ông phải gồng gánh vừa đi làm công việc chăm sóc cây xanh vừa chăm sóc các con. Ngày nào ông cũng phải tranh thủ thời gian để sau khi rời tay khỏi công việc là về nhà lo ăn uống cho các con. Ông cũng không dám đi đâu xa nhà vì các con còn chờ mình về chăm lo.

Còn gia đình ông Nguyễn Quang Lịch (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) có 3 người con thì đều là nạn nhân chất độc da cam. Theo bà Kim Nguyên, Phó Chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, 2 năm trước khi ông Lịch còn sống dù đã gần 100 tuổi song vẫn phải lo cho 3 người con đều đã ngoài 50 tuổi chậm phát triển trí tuệ. Dù cuộc sống khó khăn nhưng gia đình 4 người vẫn ấm tình thương. Khi ông Lịch qua đời, đứa cháu nhỏ thay ông lo cho 3 nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, sự chăm sóc, lo lắng và tình yêu thương chắc chắn không bằng trước đây khi các con ông còn cha.

Với bà Nguyễn Thị Thanh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) dù đã ở tuổi 70 song hàng ngày một tay bà Thanh lo toan cho 2 con cùng chồng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Do toàn thời gian lo cho người thân nên bà Thanh không có công việc gì kiếm ra tiền. Từ đó, cuộc sống cả nhà hoàn toàn phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước, tình thương của cộng đồng.

Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao vốn hỗ trợ cho nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam tự tạo việc làm vào tháng 1-2023
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao vốn hỗ trợ cho nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam tự tạo việc làm vào tháng 1-2023

Nhiều nguồn lực hướng về nạn nhân chất độc da cam

Để san sẻ với nạn nhân chất độc da cam cùng gia đình, thời gian qua, nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam từ chính sách lẫn cộng đồng được đẩy mạnh thực hiện.
Theo đó, toàn tỉnh có 147/170 xã, phường, thị trấn thành lập được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; 10 xã xây dựng được Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Riêng các xã, phường còn lại do ít nạn nhân hoặc không có nạn nhân da cam nên không thành lập tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Các hội cấp xã, chi hội đã tích cực quan tâm công tác thu hút hội viên, gắn với nâng chất lượng hoạt động của tổ chức hội. Từ đó, công tác chăm lo cho hội viên ngày càng được nâng cao.

Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho hay, trong tổng số người bị hậu quả chất độc da cam/dioxin ở tỉnh có 1,9 ngàn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 613 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời, nạn nhân chất độc da cam còn được hưởng chính sách chăm sóc y tế của Nhà nước. Người trực tiếp chăm sóc nạn nhân cũng được Nhà nước trợ cấp tiền hàng tháng.

Bên cạnh chính sách của Nhà nước, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh còn kết nối mạnh thường quân để chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam. Hiện có hơn 100 cơ quan, đơn vị, cá nhân trong cũng như ngoài nước tham gia trợ cấp hàng tháng cho 356 nạn nhân chất độc da cam. Số tiền mà mỗi trường hợp nhận được hàng tháng dao động từ 300-500 ngàn đồng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân chất độc da cam phát huy năng khiếu, khả năng lao động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố còn huy động nhiều nguồn lực để tặng dụng cụ hỗ trợ vận động, vốn vay cho từng trường hợp cụ thể.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây