Thống kê của Sở LĐ-TBXH cho thấy toàn tỉnh hiện có trên 50 ngàn người khuyết tật (NKT). Trong số này ngoài 32,2 ngàn NKT đặc biệt nặng và NKT nặng còn trên 17,7 ngàn NKT nhẹ. Những NKT nhẹ rất mong muốn sẽ tìm được cho mình công việc phù hợp với tình trạng khuyết tật.
Anh Nguyễn Hoàng Thanh Phương (19 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa)
bị khuyết tật tỷ lệ 40% đang được người làm công tác trợ giúp NKT
trao đổi khi có nguyện vọng xin việc làm
Nhiều chính sách trợ giúp
Từ mong muốn chính đáng này của NKT, nhiều hoạt động trợ giúp NKT đã được triển khai thực hiện.
Cụ thể, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững Viethealth và các đơn vị có liên quan triển khai dự án Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật tại tỉnh Đồng Nai. Qua đó, đã có trên 96 ngàn trẻ từ 0-6 tuổi được sàng lọc dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật. Trong số này, có gần 5 ngàn trẻ được phát hiện để từ đó kịp thời can thiệp sớm khuyết tật theo từng dạng tật cho gần 1,4 ngàn trẻ.
Ngoài ra, Sở LĐ-TBXH còn phối hợp với chương trình dự án DIRECT tổ chức 5 đợt khám lâm sàng tại các huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa và tiến hành hỗ trợ phục hồi chức năng cho 268 NKT; đồng thời, cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc cho 130 NKT.
Anh Phạm Tú Phương (khuyết tật vận động, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, hoạt động khám bệnh tại nhà dành cho NKT đã giúp anh nắm các bài tập vật lý trị liệu để tự tập tại nhà giúp tăng khả năng di chuyển.
Cùng với đó thông qua các dự án hỗ trợ cho NKT được thực hiện trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 700 NKT được vay vốn để phát triển chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Gần 600 gia đình có thành viên là NKT ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn đã được hỗ trợ bò giống, phương tiện và dụng cụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhỏ, mua sắm vật dụng sinh hoạt...
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trần Thị Thùy Trâm cho biết, mỗi năm trung tâm kết nối, giới thiệu việc làm cho 20-30 NKT vào làm việc tại các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này có chế độ tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp với tình trạng của NKT. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tuyển dụng của các doanh nghiệp đối với NKT thời gian gần đây bị chững lại.
Cùng với đó, hiện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang hỗ trợ vốn sinh kế cho 28 gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mỗi trường hợp được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng. Số vốn này người vay sử dụng để mưu sinh theo khả năng khuyết tật của bản thân như: bán vé số, mở quán giải khát tại nhà…
Ngoài ra, thông qua hoạt động của các cơ sở, tổ nhóm dịch vụ xoa bóp giải quyết việc làm cũng đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 60 lao động với mức thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Hội Người mù cấp huyện, thành phố đã chủ động kết nối, trợ giúp hội viên có công việc phù hợp với khả năng bằng cách gia công các mặt hàng…
NKT chủ động hòa nhập
Từ việc triển khai các giải pháp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vốn, tạo việc làm… NKT đã được tạo mọi điều kiện để hòa nhập.
Không muốn chịu cảnh sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, ông Nguyễn Văn Thình (46 tuổi, khuyết tật chân, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) tìm công việc thợ hồ để nuôi sống bản thân. May mắn đã mỉm cười với người đàn ông này khi ông có công việc ổn định. Đồng cảm với những NKT và có mong muốn được lao động như mình, ông Thình đã tiết kiệm tiền túi và vận động, kết nối thêm để giúp đỡ 160 hoàn cảnh khuyết tật trên địa bàn thị trấn được tặng xe lăn, xe lắc, giúp vốn bán vé số…
Bà Nguyễn Thị Hồng (bị khuyết tật 2 chân, ở trọ tại TT.Long Thành) cho hay, quê vợ chồng bà ở miền Tây Nam bộ. Cả hai đều là NKT nên ở quê không tìm được việc làm, sống phụ thuộc vào người thân. Vợ chồng bà dẫn nhau đến Đồng Nai để tìm việc, may mắn được gặp ông Thình hỗ trợ xe lăn tay và vốn bán vé số mưu sinh. Nhờ đó, tiền lời bán vé số của vợ chồng bà Hồng đủ trả tiền phòng trọ, ăn uống hàng ngày và lo cho con đang học lớp 4 được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, cuộc sống của gia đình bà cũng ổn định hơn trước rất nhiều.
Còn ông Phạm Công Đăng (ngụ xã Bàu Cạn, H.Long Thành) tuy bị khuyết tật 2 chân song rất mong muốn được tự lập trong cuộc sống. Sau khi học nghề sửa chữa điện, ông mở tiệm tại nhà và đến tận nhà sửa chữa cho những người có nhu cầu. Nhờ vậy, ông có thu nhập để cùng các thành viên khác trong gia đình chăm lo cho cuộc sống thường ngày.
Riêng anh Nguyễn Hoàng Thanh Phương (19 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị tật ở chân, được xác định tỷ lệ thương tật cơ thể là 40%. “Cha tôi bị khuyết tật vận động. Bản thân tôi cũng bị khuyết tật nhưng có may mắn được học tập, việc di chuyển tuy khó song đôi tay linh hoạt nên tôi rất mong muốn có được một công việc làm để có thu nhập hàng tháng lo cho bản thân, phụ chăm sóc cha thay vì phải sống nhờ vào trợ giúp của chính quyền địa phương, cộng đồng như cha tôi hiện nay” - anh Phương nói.
Đến nay, mong ước của anh Nguyễn Hoàng Thanh Phương đã thành hiện thực khi thông qua sự giới thiệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, một đơn vị sản xuất đã nhận anh Phương vào thử việc trong thời gian 2 tháng.
Nguyễn Vân