Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư vào Đồng Nai

Thứ năm - 29/04/2021 15:48
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Những năm gần đây, Đồng Nai và Nhật Bản liên tục mở rộng hợp tác đầu tư và xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện Nhật Bản là quốc gia đứng thứ ba trong 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Đồng Nai.
 Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai 262 dự án với tổng vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD. Dù hơn 1 năm qua, xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vẫn không ngừng đầu tư dự án mới và bổ sung thêm vốn cho những dự án đang hoạt động để mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
z2457611615905_81103f4bca469bd24e2b9ca4c9d766e4.jpg
Đồng Nai và Vùng Kansai tham gia ký kết trực tuyến trên 3 lĩnh vực.
*Hợp tác trên nhiều lĩnh vực
 Vừa qua, Đồng Nai đã ký kết trực tuyến với Vùng Kansai (Nhật Bản) nhằm mở rộng hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp và tiết kiệm năng lượng góp phần bảo vệ môi trường. Bản ký kết trên có hiệu lực trong 3 năm. Bên cạnh đó, cả hai bên đều cam kết là ngoài những vấn đề đã ký kết hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực khác để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
 Ông Takeshi Yonemura, Cục  trưởng Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp Vùng Kansai cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đang thiết lập lại chuỗi cung ứng, Việt Nam là nước có triển vọng được nhiều DN Nhật Bản muốn đầu tư vào nhất. Do đó, những năm gần đây, số lượng dự án của DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng cao. Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN Nhật Bản chọn lựa, vì tỉnh thành lập bàn Kansai hỗ trợ DN thủ tục, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại nên đầu tư hiệu quả hơn”.
 Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp, có phần đóng góp không nhỏ từ các DN Nhật Bản. Bởi đa số các dự án của DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành máy tính, điện tử; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng...
*Lợi thế mở rộng giao thương

  Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia 4 hiệp định thương mại (FTA), tạo thuận lợi cho đầu tư và xuất khẩu của cả hai bên. Trong đó gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản; Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ký kết ngày 15-11-2020.

 Các hiệp định trên đã giúp các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng như Đồng Nai nhận thêm nhiều ưu đãi, tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Masahiro Ariga, Trưởng ban Kết nối DN Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng, các FTA đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam và Nhật Bản trong hợp tác phát triển kinh tế. Đồng Nai là khu vực được các DN Nhật Bản rất chú trọng vì có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, logistics. Tỉnh là trung tâm lớn về công nghiệp của Việt Nam, gần cảng biển, giáp TP.HCM nên DN đầu tư vào khả năng thành công cao.
Hiện nay, có nhiều DN có vốn đầu tư trong nước trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các DN Nhật Bản tại Đồng Nai cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Đồng thời, các DN Việt mở rộng xuất khẩu vào Nhật Bản với nhiều mặt hàng như: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, điện tử, nông sản, thực phẩm. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trên cả nước xuất khẩu được thịt gà vào Nhật Bản và sản lượng liên tục tăng.
 Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá: “Các dự án của Nhật Bản đầu tư vào tỉnh có công nghệ hiện đại và thuộc lĩnh vực đang ưu tiên mời gọi. Thời gian tới, tỉnh sẽ thông qua Bàn Kansai thúc đẩy hợp tác giao thương để xứng với tiềm năng và lợi thế giữa hai bên. Chính quyền tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN Nhật Bản đã, đang, sắp đầu tư vào Đồng Nai hoạt động tốt”. 
                                                         Vi Quân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây