Sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân và doanh nghiệp

Thứ hai - 08/05/2023 09:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn là “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã có ý kiến về vấn đề này:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng

- Trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ đã định hình thế giới của chúng ta bằng sự khéo léo và sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT). Điều đó có nghĩa là có quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ SHTT. Chính vì thế, Tổ chức SHTT thế giới đã lựa chọn chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm khuyến khích nhiều hơn nữa phụ nữ tham gia hệ thống SHTT nhằm bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của họ.

Với lợi thế là tỉnh công nghiệp và là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai đã và đang xác định SHTT đóng vai trò quyết định đến sự thành công, phát triển bền vững của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

Trong năm 2022, toàn tỉnh Đồng Nai có 17 đơn đăng ký sáng chế, 32 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và gần 1,2 ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu. Lũy kế từ 2020 đến nay, toàn tỉnh có 78 đơn đăng ký sáng chế, 97 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gần 3,3 ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu dù là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ đăng ký hơn 95 nhãn hiệu như: xoài Phú Lý, sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa, bưởi da xanh Ba Dẩu, khổ qua rừng Hiệp Vân, các sản phẩm chế biến từ sen của HTX Trường Phát …

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, có 19/63 đề tài/đề án KH-CN có chủ nhiệm là nữ giới, chiếm 30%. Đối với hoạt động Đổi mới sáng tạo, có 9/22 dự án Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt giải cấp tỉnh do phụ nữ khởi sướng, chiếm 40%.

Lãnh đạo tỉnh nhận thấy kết quả vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực. Do vậy, ngành KH-CN cần phải cố gắng chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương nhiều hơn nữa để đẩy mạnh hoạt đông SHTT.
Tôn vinh những phụ nữ có đóng góp trong công tác SHTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua
Tôn vinh những phụ nữ có đóng góp trong công tác SHTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua

- Bất cứ một sản phẩm nào thu hút được khách hàng cũng dễ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Do vậy, việc đăng ký SHTT nói chung và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nói riêng có vai trò quan trọng để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của đơn vị mình và các lợi ích khác cho doanh nghiệp và xã hội.

Cụ thể, đối với chủ thể nắm quyền sở hữu, việc bảo vệ quyền SHTT sẽ khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của họ vào các hoạt động nghiên cứu. Cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm tốt. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tổn thất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Nhờ vào quyền SHTT, các doanh nghiệp sẽ không phải đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế do hành vi “chiếm đoạt” của các đối thủ cạnh tranh.

Nếu không bảo vệ quyền SHTT thì trên thị trường sẽ tràn lan những sản phẩm giả, kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng về cả uy tín và doanh thu cho các chủ thể đang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng có chất lượng, có sự đầu tư trí tuệ vào sản phẩm. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền SHTT giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của họ.

Mặt khác, bảo vệ quyền SHTT hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Pháp luật SHTT chống mọi hành vi sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Cũng như những hành vi sử dụng trái phép thông tin bí mật được bảo hộ.

Một cá nhân, tổ chức phải trải qua thời gian dài để có thể cho ra một sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Họ phải đầu tư trong nhiều năm và có thể phải mất rất nhiều chi phí cho hoạt động nghiên cứu và triển khai mới có thể đưa một sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhờ vào bảo vệ SHTT, doanh nghiệp sẽ xây dựng được uy tín thương hiệu, được nhiều người biết đến và tin dùng.

- Hành lang pháp lý của nước ta đối với vấn đề SHTT cơ bản đã được kiện toàn và thường xuyên được rà soát, bổ sung, sửa đổi phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Nhằm định hướng cho hoạt động của hệ thống SHTT giai đoạn tới, Chính phủ đã ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 13150/KH-UBND ngày 30/10/2020 về việc thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 của tỉnh Đồng Nai và Quyết định số 728/QĐ-UBND ngày 12-4-2023 về việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 quy định nội dung chi, mức chi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện quy trình hỗ trợ theo NQ30, kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, tuyền truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về vai trò của bảo hộ tài sản trí tuệ trong môi trường hội nhập hiện nay.

Song song đó, cần nhanh chóng triển khai vào thực tế Nghị quyết 29 quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đối với các ý tưởng, mô hình, dự án Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng.

Tác giả: Bảo Ngọc (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây