Vừa qua, UBND H.Vĩnh Cửu phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc tháo dỡ, cưỡng chế các điểm du lịch không phép ở khu vực ven hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu).

Một điểm du lịch cắm trại ven hồ Trị An tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu
Một điểm du lịch cắm trại ven hồ Trị An tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu
Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ là định hướng phát triển của H.Vĩnh Cửu đồng thời là nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương. Các cơ sở làm du lịch ở khu vực ven hồ Trị An chủ yếu đầu tư lều, trại tạm, ít xây dựng. Theo đó, người dân mong được hướng dẫn trong đầu tư phát triển mô hình du lịch vừa đảm bảo việc quản lý, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhu cầu chính đáng của người dân
Vài năm trở lại đây, nhất là sau dịch Covid-19, các địa phương như: xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) phát triển mạnh mô hình du lịch homestay, du lịch cắm trại…khu vực ven hồ Trị An.
Các điểm du lịch sinh thái tự phát trên đã vi phạm xây dựng trái phép, xâm phạm lòng hồ Trị An… Đây là nguyên nhân UBND H.Vĩnh Cửu đã tổ chức tháo dỡ các cơ sở du lịch tự phát, hoạt động không phép tại khu vực ven hồ Trị An. Theo báo cáo của UBND H.Vĩnh Cửu, qua rà soát, các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý có 52 cơ sở du lịch tự phát. Địa phương đã xử lý được 38 trường hợp, trong đó đã tháo dỡ được 23 cơ sở, các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục được xử lý trong thời gian tới.
Theo đó, hàng chục hộ dân làm du lịch cắm trại tự phát ven hồ Trị An thuộc xã Mã Đà đã có đơn kiến nghị đến các sở, ngành địa phương đề nghị việc tạo điều kiện, hướng dẫn cho người dân phát triển mô hình du lịch cắm trại để tăng thu nhập cho gia đình.
Theo đơn kiến nghị, trước khi khai thác du lịch cắm trại ven hồ, phần lớn các gia đình đều có thu nhập chính từ nguồn thu hoạch một số loại cây ăn trái nhưng cho thu nhập rất thấp, thất thường. Trước nhu cầu du lịch của du khách khắp nơi đổ về hồ Trị An, các hộ dân ven hồ đã tận dụng lợi thế để khai thác du lịch cho thu nhập cao, góp phần ổn định kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do còn thiếu hiểu biết về pháp luật và chưa có sự quản lý chặt chẽ từ địa phương nên các hộ dân đã vi phạm khi khai thác du lịch khu vực ven hồ, dẫn đến hàng loạt công trình vi phạm bị buộc phải tháo dỡ trong thời gian gần đây. Trước những khó khăn trên, các hộ dân đang trông chờ cơ quan chức năng sớm xem xét, hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch để tiếp tục ổn định cuộc sống.
Ông Thân Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH du lịch trải nghiệm Trị An Adventure cho biết, doanh nghiệp từng đưa nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái rừng và khu vực hồ Trị An. Mỗi chuyến đưa khách đến tham quan, doanh nghiệp đều đăng ký với đơn vị quản lý rừng. Tuy nhiên, trước nhu cầu du lịch tăng mạnh như hiện nay, các hộ dân sống ven hồ đã tận dụng địa thế gần hồ để kinh doanh du lịch.
Theo ông Linh, việc đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch của người dân là chính đáng, bởi nó dựa trên nhu cầu thực tế và góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân. Chính quyền địa phương các cấp cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân kinh doanh du lịch có bài bản, theo quy định để có sự phối hợp, hạn chế tối đa được những vấn đề đáng tiếc xảy ra, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của một điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Nai.
Dưới góc độ chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, Chủ tịch UBND xã Mã Đà Trần Đức Sơn chia sẻ, đến nay, địa phương đã thực hiện tháo dỡ hầu hết các cơ sở làm du lịch tự phát, còn 3 điểm cam kết tháo dỡ trong thời gian tới. Sau khi các cơ sở du lịch tự phát bị tháo dỡ, nhiều khách du lịch vẫn đến khu vực này cắm trại, xảy ra tai nạn đuối nước. Nếu có các cơ sở du lịch hoạt động tại đây thì có thể hạn chế được nguy hiểm này. Các cơ sở làm du lịch tự phát chủ yếu đầu tư lều, trại tạm, ít xây dựng. Kiến nghị UBND tỉnh cho cơ chế để người dân đầu tư, chính quyền địa phương cam kết sẽ thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động du lịch.
Tạo cơ chế phát triển
Hồ Trị An có diện tích hơn 32 ngàn ha, trong đó đất vùng bán ngập chiếm hơn 11 ngàn ha thời gian qua vẫn “bỏ không”, lãng phí nguồn lực. Quan điểm của UBND H.Vĩnh Cửu, những cơ sở du lịch đầu tư trên đất người dân sử dụng chính chủ và có đất ở thì sẽ xem xét mức độ công trình xây dựng để giải quyết một phần nhu cầu du lịch sinh thái trên địa bàn và tạm thời huyện chưa chỉ đạo xử lý đối với những công trình này. Phó Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở TN- MT có hướng dẫn mức độ cho phép các công trình tạm ra sao để người dân có thể vừa sản xuất nông nghiệp vừa phát triển du lịch sinh thái. Về phía người dân, để được xem xét hoạt động du lịch sinh thái thì trước hết phải là người trực tiếp nhận đất giao khoán rừng hoặc đã được cấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, họ phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự, môi trường...
Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, hiện nhu cầu du lịch sinh thái của người dân rất lớn. Căn cứ khoa học cho thấy phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng không tác động lớn đến rừng, thậm chí các chủ rừng làm tốt sẽ tạo ra những môi trường, cảnh quan, độ che phủ tốt hơn, đảm bảo mục tiêu bảo tồn hoặc phòng hộ. Hơn nữa, vùng bán ngập ở hồ Trị An tương đối lớn, nếu các hộ dân canh tác nông nghiệp tại đây thì lượng xả thải phân bón, thuốc trừ sâu, sản phẩm nông nghiệp cũng có nguy cơ cao tạo ra ô nhiễm. Nếu địa phương phát triển du lịch sinh thái, có sự kiểm soát tốt thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Tiến Sỹ nhận định, hồ Trị An có vị trí địa lý gần trung tâm đô thị, quanh hồ có rất nhiều cảnh đẹp, đây là nguồn lực rất lớn, thuận tiện để phát triển du lịch. Cần có giải pháp để nguồn lực này phát huy giá trị, phục vụ phát triển kinh tế địa phương và đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi gợi ý, cần khoanh vùng các bãi đất bán ngập có thể làm du lịch, gắn với các điểm quy hoạch du lịch sinh thái ven hồ để quản lý. Như vậy, việc quản lý sẽ bớt phức tạp hơn, giải quyết được nhu cầu đang nóng hiện nay, song chỉ nên phát triển các lều trại tạm, trồng hoa tạo cảnh quan dưới khu bán ngập. Đặc biệt, phải đảm bảo không để xây dựng công trình kiên cố trái phép, kiểm soát vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường…