Quý I-2023, nợ thuế trên địa bàn tỉnh tăng thêm hơn 218 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022, nâng tổng mức nợ đọng thuế lên hơn 2,6 ngàn tỷ đồng.

Người nộp thuế làm thủ tục tại Chi cục Thuế Biên Hòa – Vĩnh Cửu
Người nộp thuế làm thủ tục tại Chi cục Thuế Biên Hòa – Vĩnh Cửu
Để khắc phục tình trạng trên, ngành Thuế đang tăng cường các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu thực hiện đảm bảo nợ đọng theo chỉ tiêu tổng tiền thuế nợ không vượt quá 8% so với tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và tổng tiền thuế nợ có khả năng thu không vượt quá 5% so với tổng thu NSNN.
Sản xuất kinh doanh của người nộp thuế gặp khó
Đến hết tháng 3 -2023, sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn, DN sản xuất giảm đơn hàng, người lao động mất việc nên nợ thuế vẫn tiếp tục tăng. Bối cảnh thực tế trên đã khiến Chính phủ phải ban hành các chính sách hỗ trợ người nộp thuế được gia hạn, giảm tiền thuế.
Theo đánh giá của ngành Thuế, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động không thuận lợi đến việc quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế vì ngành Thuế phải thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân khắc phục khó khăn, ứng phó dịch bệnh.
Tại buổi giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý thu, chống thất thu thuế giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh của Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Hoàng Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, nợ thuế qua các năm đều tăng, ngành Thuế cần phân tích rõ nguyên nhân tăng nợ thuế, đánh giá loại hình DN nào có nợ thuế nhiều nhất. Đồng thời cần đưa ra những giải pháp giảm nợ thuế. Bên cạnh đó, bà Hằng cũng đặt vấn đề về công tác thu thuế đối với các DN giao dịch trực tiếp, lĩnh vực kinh doanh online trên địa bàn Đồng Nai trong thời gian qua đang là những lĩnh vực bị thất thu thuế cho NSNN.
Tăng các giải pháp thu hồi nợ thế
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh cho biết, mặc dù có những khó khăn, nhưng ngành Thuế vẫn có những giải pháp cân đối, giữ số tiền nợ thuế ở mức cho phép theo chỉ tiêu của Tổng Cục Thuế và Bộ Tài chính. Một số sắc thuế có tỷ lệ nợ thuế cao như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiền chậm nộp thuế…Theo ông Thắng, đối với các trường hợp chây ỳ nợ thuế, ngành thuế đã công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và có những giải pháp thu thuế theo từng trường hợp.
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, do những năm gần đây, tổng thu NSNN tăng nên tỷ lệ nợ thuế tăng theo. Cùng với đó là tình trạng nhiều DN gặp khó khăn do thiếu đơn hàng nên phải chấp nhận cho DN nợ và chưa thực hiện cưỡng chế nợ. Nhóm DN tăng nợ thuế thường rơi vào nhóm kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng và một số DN có số nộp thuế lớn có khiếu nại về chính sách thuế cũng ảnh hưởng đến nguồn thu.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường yêu cầu ngành Thuế phải tập trung cải tiến phương pháp thu thuế, cách tính thuế, biểu thuế, chống gian lận thuế. Nắm vững hoạt động của DN, gần gũi, hỗ trợ DN và người nộp thuế trong công tác thu thuế. Ngành Thuế phải chủ động, tích cực với phương châm phòng ngừa không để xảy ra sai phạm, xóa nợ đọng, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ nợ thuế.
Phó Bí thư Tinh ủy cũng cho rằng, đối với những trường hợp không còn khả năng thanh toán do DN phá sản, đối tượng bỏ trốn, đã chết…nếu đủ các điều kiện để xóa nợ thì phải xóa theo quy định để giảm tỷ lệ nợ thuế. Bên cạnh đó, cần phải thu số nợ thuế bằng mọi biện pháp hiệu quả. Nếu cần thiết thì chuyển qua cơ quan điều tra để xử lý nợ thuế.