Để ngăn tái diễn vụ việc xe đưa rước học sinh va chạm khiến một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tử vong vào ngày 8-2, vừa qua Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã tổ chức họp thống nhất các biện pháp đảm bảo ATGT xe đưa rước học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngành GT-VT, GD-ĐT và lực lượng Công an đã đề ra các giải pháp tập trung vào các giải pháp nâng cao trách nhiệm nhà trường và kiểm soát chặt hoạt động đưa rước học sinh.

Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra phương tiện, việc chấp hành các quy định của xe đưa rước học sinh trong năm học 2022-2023 trên đường Lê Thoa (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Ảnh: Trúc Viên.
Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra phương tiện, việc chấp hành các quy định của xe đưa rước học sinh trong năm học 2022-2023 trên đường Lê Thoa (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Ảnh: Trúc Viên.
Nhu cầu đi xe đưa rước cao
Qua thống kê của Phòng Quản lý phương tiện và vận tải (Sở GT-VT), năm học 2022-2023, trên toàn tỉnh có 907 xe ô tô tham gia đưa rước học sinh. Tập trung nhiều tại TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom (nơi có lượng trường học và học sinh đông đảo) Riêng TP.Biên Hòa hiện có 100 ngàn học sinh tiểu học, trong đó có 46 ngàn em được phụ huynh gửi nhà giáo viên buổi trưa (số học sinh có nhu cầu đi xe đưa rước là 36 ngàn), hiện có 2 ngàn giáo viên ký hợp đồng với các nhà xe.
Tuy nhu cầu đi lại cao là vậy nhưng gần như trên các xe đưa rước hiện nay (loại trên 30 chỗ) không bố trí phụ xe đi cùng. Đáng nói trong học kỳ 1 của năm học 2022-2023 chỉ có rất ít trường bố trí giáo viên, quản sinh đi kèm theo xe. Kéo theo đó là nguy cơ học sinh dễ gặp sự cố trên xe, nhất là khi học sinh hiếu động có thể mở cửa sổ xe thò đầu, tay ra ngoài hoặc chạy giỡn bên trong xe...
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện (Sở GT-VT) nêu ra vấn đề, tại Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được áp dụng không yêu cầu đối với xe kinh doanh vận tải hành khách trên 30 chỗ phải có nhân viên phục vụ trên xe. Chình vì vậy, từ phía bên ký hợp đồng xe đưa rước (phụ huynh, giáo viên, nhà trường) cần chú ý đưa chi tiết có phụ xe đi kèm khi ký hợp đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn nêu lên bất cập nằm tại một số trường học trên quốc lộ, đường tỉnh lại không có không gian an toàn cho học sinh qua đường (lượng xe lưu thông rất đông); một số trường tại đô thị lại không bố trí được khu vực cho xe dừng, đậu trước cổng trường. Việc này không chỉ gây mất an toàn mà còn gây ùn tắc giao thông.
Đại tá Cao Hữu Nguyên, Phó trưởng Công an H.Long Thành cho hay, hiện không ít phụ huynh lo ngại tình trạng các xe đưa rước học sinh nhận nhiều hợp đồng với thời gian quá gần nhau. Dẫn tới việc sau khi vội vàng đưa tốp học sinh này tới trường rồi đi rước nhóm học sinh khác cho kịp giờ, tài xế sẽ khó tập trung lái xe an toàn.
Tăng cường trách nhiệm từ ngành giáo dục
Xác định việc đảm bảo an toàn xe đưa rước học sinh là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng nên ngay từ đầu năm học 2022-2023, cả Sở GT-VT và Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều kế hoạch, đôn đốc các trường, các ngành chức năng địa phương rà soát, kiểm tra các hợp đồng, xử lý xe/nhà xe đưa rước học sinh vi phạm.
Về phía ngành GT-VT, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện (Sở GT-VT) đã chủ động cung cấp danh sách các HTX, doanh nghiệp vận tải, nhà xe cho nhà trường. Sau đó lại tiếp nhận hợp đồng, biển số xe để rà soát điều kiện hoạt động, phản hồi thông tin cho các trường, đề nghị các trường kiểm tra chấm dứt hợp đồng với các nhà xe vi phạm, các xe hết niên hạn sử dụng.
Về phía ngành GD-ĐT, thầy Đỗ Huy Khánh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã lưu ý Phòng GD-ĐT các địa phương phải chỉ đạo các trường cần chú ý quản lý xe đưa rước học sinh. Đặc biệt, phải ràng buộc điều khoản có phụ xe trong hợp đồng, hoặc cử giáo viên đi kèm xe, nhất là ở các địa phương như: Biên Hòa, Trảng Bom - nơi học sinh có nhu cầu đi lại bằng xe đưa rước lớn.
Cô Lưu Thị Hằng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa kiến nghị, nếu quy định cho phép, Công an TP.Biên Hòa có thể chỉ đạo công an các xã, phường hỗ trợ các trường học trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của xe đưa rước học sinh. Bên cạnh đó, các trường phải thường xuyên tuyên truyền cho học sinh, giáo viên các quy định về ATGT đường bộ, nhất là việc lên xuống xe an toàn.
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh kiến nghị Sở GT-VT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng quy trình chung thống nhất, hướng dẫn các trường thực hiện việc đưa rước học sinh bằng xe ô tô. Ban ATGT tỉnh sẽ khảo sát, tổ chức cắm biển dừng, đậu cho xe đưa rước học sinh trước các cổng trường. Đồng thời, tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người lái xe và người phục vụ trên xe đưa rước học sinh. Để đảm bảo an toàn hơn, công an các huyện, thành phố cần chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn hỗ trợ học sinh đi bộ băng qua đường sau giờ tan học.