Trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chi phí đầu vào tăng cao trong khi sản phẩm bán ra thường đứng ở mức giá thấp. Nông dân, doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh sản xuất, xây dựng kế hoạch tái đầu tư để tìm cơ hội trong khó khăn.
Điều này còn góp phần đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu vào những tháng cuối năm, nhất là thị trường Tết Nguyên đán 2022.
Sản xuất rau sạch trong nhà màng tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh
Kỳ vọng thị trường khởi sắc
Từ nay đến cuối năm, dự báo sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể xảy ra tình trạng đứt gãy trong chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường cuối năm, nhất là vào dịch Tết Nguyên đán 2022. Nhiều nông dân, doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì, ổn định sản xuất kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Chuối Gia Huy Phát có trụ sở chính tại phường An Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ, doanh nghiệp từng phải làm đơn kêu cứu khắp nơi vào giai đoạn các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội. Công ty có cả ngàn tấn chuối già xuất khẩu đến vụ thu hoạch bị tồn tại vườn vì gặp nhiều khó khăn như: nhân công không thể qua chốt để thu hoạch, việc vận chuyển chuối, giao nhận hàng hóa cũng khó khăn...Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT, những khó khăn trong lưu thông qua chốt kiểm soát đã được tháo gỡ, sản phẩm chuối được lưu thông thuận lợi.
Theo ông Dũng: “Doanh nghiệp luôn giữ quan điểm nỗ lực vượt khó, duy trì sản xuất không nghỉ ngày nào trong năm. Khó khăn khiến xuất khẩu nông sản, trái cây giảm sút chủ yếu do vướng trong khâu sản xuất, vận chuyển hàng hóa chứ nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu vẫn rất lớn. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, dự báo mặt hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn có cơ hội thắng lớn vào những tháng cuối năm vì vừa qua, sản xuất nông nghiệp của nhiều tỉnh Trung Quốc bị thiệt hại do thiên tai nên nhu cầu nhập khẩu của họ là rất lớn”.
Dưới góc độ nông dân, ông Nguyễn Công Khánh, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Phương Nam (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) lại đang liên kết cùng các xã viên điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu thị trường. HTX đang nỗ lực mở rộng các kênh tiêu thụ, ngoài kênh tiêu thụ truyền thống là chợ đầu mối, qua thương lái, HTX đã đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để sản phẩm rau tươi của xã viên rộng cửa hơn về đầu ra.
Nông dân trồng thanh long tại huyện Trảng Bom vẫn kỳ vọng thị trường xuất khẩu cuối năm. Ảnh: Phan Anh
Đưa công nghệ vào sản xuất
Trong tình hình vật tư nông nghiệp đầu vào không ngừng tăng cao, người nông dân càng phải chuyên nghiệp hơn trong đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để bài toán sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) chia sẻ, hơn 2 năm từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, trang trại hầu như không có lợi nhuận, thậm chí có giai đoạn lỗ vốn. Hiện đang là giai đoạn khó khăn nhất với nông dân vì giá vật tư đầu vào tăng từ 30-40% trong khi trái thanh long bán ra thường ở mức thấp. Những tháng cuối năm, nông dân thường đầu tư thắp đèn làm thanh long trái vụ với kỳ vọng được mùa xuất khẩu với giá tốt. Năm nay, sản xuất khó khăn hơn nhưng trang trại của ông Bùi Đình Anh vẫn đầu tư thắp đèn làm thanh long trái vụ. Ông Anh nói: “Trong hoàn cảnh này, nếu không dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn thua nên dù thị trường có rủi ro tôi vẫn mạnh dạn vay vốn ngân hàng gần 2 tỷ đồng để đầu tư thay dàn đèn thắp hiện đại hơn, tiết kiệm điện hơn để làm thanh long trái vụ. Đây là bài toán đầu tư tiết kiệm để tăng lợi thế cạnh tranh trong hoàn cảnh khó”.
Cũng theo ông Anh, chính hoàn cảnh khó khăn này càng khẳng định lợi thế của sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Với quy mô sản xuất khoảng 45 ha, trang trại của ông đủ điều kiện đặt mua số lượng lớn vật tư trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất với giá tốt; đầu tư khu nhà ở cho công nhân tại nơi sản xuất nên tổ chức sản xuất tại chỗ đảm bảo công tác phòng, chống dịch rất hiệu quả và thuận lợi. Mặt khác, vùng chuyên canh trồng thanh long theo quy trình xuất khẩu với quy mô lớn nên ngay cả trong giai đoạn khó khăn về thị trường, vẫn có bạn hàng về tận trang trại mua thanh long xuất khẩu.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cho biết, do thua lỗ nên nhiều người chăn nuôi hiện nay không dám đầu tư tái đàn. Vài tháng qua, trại heo giống của doanh nghiệp bán con giống rất chậm, mọi chi phí đầu vào đều tăng cao nên rơi vào cảnh đang gồng mình chịu lỗ. Thiếu vốn trong sản xuất đang là bài toán rất khó cho doanh nghiệp hiện nay. Theo ông Hậu: “Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư thêm trang trại sản xuất heo giống có công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Vì đây mới là lợi thế để doanh nghiệp vẫn có thể phát triển khi áp lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi ngày càng lớn nhưu hiện nay”.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập