UBND tỉnh đã có chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động trong các doanh nghiệp (DN), nhưng đến nay, tỷ lệ được tiêm mũi 1 chưa cao. Do đó, DN hy vọng sớm có đủ vaccine tiêm cho người lao động để sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tổ chức Đoàn kiểm tra doanh nghiệp thực hiện các quy trình về phòng, chống dịch để khôi phục sản xuất.
Trong gần 2 tháng qua, Đồng Nai đã ưu tiên nguồn vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động tại các DN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” để giữ sản xuất công nghiệp, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do số lượng vaccine được Chính phủ phân bổ còn thấp so với nhu cầu nên chỉ một số ít công ty đông lao động mới được ưu tiên tiêm đủ 100% mũi 1.
Mong sớm có đủ vaccine
Qua tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh rất ít DN còn giữ được công suất như dịp đầu năm, chủ yếu chỉ duy trì được 25-50%. Hàng hóa sản xuất giảm mạnh, nhưng chi phí cho sản xuất lại tăng nên DN rất mong sớm có đủ vaccine tiêm cho người lao động để khôi phục lại sản xuất bình thường.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Chang Dae Vina Jang Won ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty có gần 390 lao động nhưng chỉ tổ chức cho 136 người lưu trú tại nhà máy để làm việc. Hiện công ty mới được phân bổ vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động chưa hết mũi 1. Vì thế, DN rất mong tỉnh sớm có đủ nguồn vaccine để bố trí tiêm đủ cho tất cả lao động trong công ty được 2 mũi để có thể phục hồi lại 100% công suất của nhà máy”.
Hiện nay, lao động làm việc trong các DN tại Đồng Nai gần 1,2 triệu người, riêng các khu công nghiệp là trên 630 ngàn người. Như vậy, số liều vaccine cần để tiêm cho người lao động đang làm việc trong các DN là trên 2 triệu liều.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vaccine phòng Covid-19 cho tỉnh để tiêm phòng cho người lao động trong các DN, người dân. Tiêm đủ vaccine là giải pháp hiệu quả nhất để khống chế dịch bệnh và phục hồi lại sản xuất kinh doanh.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin cho công nhân ở KCN Biên Hòa 2
Phòng chống dịch tốt để phục hồi kinh tế
Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành lân cận là TP.HCM, Bình Dương, bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, từng bước phục hồi nền kinh tế. Vì phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất mới đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, các DN khôi phục sản xuất kinh doanh sẽ tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước và thêm nguồn lực chung sức cùng chính quyền phòng chống dịch bệnh và chăm lo cho người lao động.
Bà Phạm Thị Dạ Thảo, Tổng vụ Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity ở Khu công nghiệp Amata chia sẻ: “Đối tác nước ngoài đặt hàng công ty khá nhiều, nhưng công ty chưa ký vì đang chờ tới đây, hết giãn cách xã hội, tỉnh kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế mở cửa trở lại. Khi đó, DN ký kết thêm các đơn hàng mới, không lo thiếu lao động, nguyên liệu đầu vào để sản xuất”.
Hiện nay, nhiều ngành hàng bắt đầu vào mùa sản xuất, xuất khẩu cuối năm như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng...Bên cạnh đó, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc đang trên đà phục hồi kinh tế, nhu cầu nhập hàng hóa từ Việt Nam tăng cao. Do đó, Đồng Nai “tăng tốc” kiểm soát dịch bệnh, mở rộng vùng xanh, không để bùng phát các ổ dịch mới để từng bước phục hồi kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nếu để dịch bệnh Covid-19 kéo dài sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Tuy Đồng Nai có nhiều DN còn duy trì được sản xuất nhưng lượng lao động tham gia lưu trú ở nhà máy để sản xuất chỉ chiếm khoảng 20-30%. Nguồn vaccine sẽ được tỉnh ưu tiên cho chống dịch để mở rộng vùng xanh, DN đang thực hiện phương án 3 tại chỗ. Mục tiêu là để nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, phục hồi lại nền kinh tế”.
Vi Quân