Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai luôn quan tâm thực hiện tốt tiêu chí phát triển kinh tế tập thể, nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng cả về số lượng và chất lượng của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao trong nông nghiệp.
Thời gian qua, những HTX làm ăn hiệu quả không ngừng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đây là nơi tập hợp, liên kết và hỗ trợ tốt cho xã viên từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhiều HTX là chủ đầu tư các dự án cánh đồng lớn làm ra những nông sản an toàn, tham gia tốt thị trường xuất khẩu; góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) đưa sản phẩm trái cây của địa phương tham gia chương trình kết nối tiêu thụ nông sản tại TP.Biên Hòa năm 2020. Ảnh: Phan Anh
HTX hoạt động hiệu quả
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 175 HTX nông nghiệp với tổng vốn điều lệ 407,8 tỷ đồng; 1.134 Câu lạc bộ - Tổ hợp tác với gần 33,4 ngàn thành viên. Tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt chiếm 44%, trong đó có 23,7% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 30% HTX và 18 THT thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm; 10 HTX tham gia đánh giá phân hạng OCOP với 21 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Sự lớn mạnh, tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng của HTX, các mô hình kinh tế tập thể gắn với phong trào xây dựng NTM. Các HTX nông nghiệp phát triển rất tốt, tích cực tham gia chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), ứng dụng công nghệ cao, tham gia liên kết…
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Phước Dũng đánh giá, tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai rất quan tâm phát triển các mô hình KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và đạt nhiều thành tựu trong phát triển chuỗi liên kết. Kết quả, tổng số lượng HTX của Đồng Nai cao hơn hẳn so với mặt bằng chung cả nước, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp có nhiều HTX có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Nổi bật nhất là kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 58 của UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh đã có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt và 113 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
HTX Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) liên kết nông dân trồng tiêu sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: Phan Anh
Làm cánh đồng lớn
Đến nay, toàn tỉnh có 151 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hình thành. Trong đó, nhiều dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với sản phẩm vào được các hệ thống siêu thị lớn, xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính do HTX làm chủ đầu tư như: HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) với chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản; HTX Tiêu Lâm San (H.Cẩm Mỹ) xuất khẩu tốt vào thị trường châu Âu; HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) chế biến, xuất khẩu tốt sản phẩm đi thị trường châu Âu; HTX rau sạch Trường An (H. Xuân Lộc) cung cấp hàng chục tấn rau/ngày vào các hệ thống siêu thị lớn…
Các HTX luôn đồng hành cùng xã viên, nông dân trong kết nối tiêu thụ nông sản gặp khó khăn vì dịch Covid – 19. HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) là HTX đi đầu của tỉnh trong xây dựng thương hiệu nông sản. Đến nay, HTX đã có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát chia sẻ, tuy HTX gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển nông sản cũng như tổ chức sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo công suất chế biến từ 1-3 tấn sen tươi/ngày, sản lượng hạt sen tiêu thụ cho nông dân cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Vụ thu hoạch trái cây hè vừa qua, nhiều vùng trái cây trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về đầu ra, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) là một trong những đơn vị tích cực hỗ trợ các xã viên, nông dân tiêu thụ trái cây tươi trong tình hình khó tiêu thụ do ảnh hưởng vì dịch bệnh. Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định cho biết, trước tình hình tiêu thụ của thị trường TP.HCM giảm mạnh do hàng loạt chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, HTX vẫn nỗ lực kết nối, đưa hàng đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nhờ đó, HTX đã hỗ trợ tiêu thụ trái cây tươi cho các tổ hợp tác, HTX sản xuất trái cây VietGAP như chôm chôm, sầu riêng trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết tình trạng trái cây tươi ứ hàng, rớt giá.
Phan Anh
Trong tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, hàng chục HTX sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh là đầu mối liên kết, cung cấp rau, trái cây tươi, thịt heo, gà... Trong đó, nhiều HTX hiện đang cung cấp các mặt hàng nấm, rau, trái cây vào kênh tiêu thụ hiệu quả nhất hiện nay là các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và xuất khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập