Quyết liệt ứng phó với dịch tả heo châu Phi

Chủ nhật - 12/05/2019 22:15
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sau khi có thông tin Đồng Nai xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi (ASF), giá heo trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng đang “gồng mình” thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống lây lan và phát sinh các ổ bệnh mới.​

Người chăn nuôi gặp khó vì dịch bệnh

Khoảng 1 tuần trước, gia đình ông Trần Văn Nam, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất xuất bán 200 con heo thịt với giá 36.000 đồng/kg. Đáng nói, toàn bộ số heo xuất bán của gia đình ông Nam mới chỉ đạt trọng lượng khoảng 80kg/con. “Thông thường thì heo phải từ 100kg/con trở lên tôi mới bán. Tuy nhiên, vừa qua khi có thông tin dịch bệnh thì giá heo xuống nhanh quá. Tôi sợ càng giữ càng mất giá nên quyết định bán sớm”, ông Nam cho hay.

Cũng theo ông Nam, dù bán sớm nhưng gia đình ông vẫn gặp may mắn vì giá heo còn khá cao. Chỉ ít ngày sau khi gia đình ông Nam xuất bán, giá heo đã tiếp tục xuống thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh ASF. 

Sau khi xuất bán, gia đình ông Nam hiện vẫn chưa có ý định thả nuôi thêm lứa heo mới. Ông Nam cho hay, gia đình giờ chỉ duy trì đàn heo gồm 5 con heo nái và 150 con heo giống. “Giờ tình hình dịch bệnh, giá cả vậy thì cũng không dám thả nuôi thêm. Tôi chỉ duy trì đàn như vậy, hằng ngày phải thực hiện tiêu độc, khử trùng để đảm bảo an toàn”, ông Nam chia sẻ.


Bà Phan Thị Thùy Lan, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ rắc vôi bột sát trùng khu vực nuôi heo của gia đình.

Không chỉ gia đình ông Nam, theo tìm hiểu, từ khi có thông tin về dịch bệnh ASF, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng bán heo chưa đủ trọng lượng chuẩn để “tránh dịch” và nhằm “vớt giá”. Cùng với đó, việc tái đàn heo cũng được người chăn nuôi thực hiện thận trọng với số lượng chỉ bằng phân nửa lượng heo xuất bán.

Riêng tại 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, 2 địa phương vừa công bố dịch ASF hồi đầu tháng 5, người chăn nuôi vẫn đang thấp thỏm chờ hết dịch để bán heo ra thị trường.

Theo lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, ASF xuất hiện khiến tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh xáo trộn, tận dụng cơ hội này, thương lái tung tin thất thiệt, ép giá, người chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đang phối hợp cùng chính quyền các cấp, tăng cường truyền thông để người dân nắm thông tin chính thức, để có giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Căng mình chống dịch

Dù đang gặp khó khăn kể từ khi có thông tin dịch ASF xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, người chăn nuôi và các cơ quan chức năng hiện vẫn đang làm tất cả các giải pháp để chống dịch.

Gia đình bà Phan Thị Thùy Lan, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ hiện chỉ còn nuôi 1 con heo nái và khoảng 6 con heo con. Tuy nhiên, thực hiện hướng dẫn của cơ quan chức năng, trong hơn 1 tuần qua, gia đình bà Lan đều đặn tiến hành rắc vôi bột xung quanh khu vực trại heo của gia đình với tần suất 2 ngày lần. Ngoài ra, gia đình bà Lan cũng phun thuốc tiêu độc khử trùng trong và bên ngoài chuồng nuôi. Theo bà Lan, dù đàn heo của gia đình chỉ có vài con nhưng khi nghe có thông tin về dịch bệnh ASF thì rất lo lắng. Do đó, gia đình thực hiện đúng các hướng dẫn do cơ quan Thú y hướng dẫn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho hay, Cẩm Mỹ hiện là một trong những địa phương có đàn heo lớn. Do đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ASF, huyện đã triển khai các biện pháp phòng dịch ngay từ đầu tháng 3. Huyện Cẩm Mỹ đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục lộ chính giáp ranh với các địa phương khác. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có một chốt kiểm dịch của tỉnh đặt trên QL 56, giáp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. “Các xã cũng thành lập các chốt kiểm dịch trên các trục đường có tiếp giáp với địa phương khác. Như xã Sông Nhạn hiện đã thành lập 3 chốt của xã. Đặc biệt, huyện đã nghiêm cấm buôn bán thịt heo lưu động. Hiện trên địa bàn vẫn chưa phát hiện ổ dịch ASF ”, ông Thắng cho hay.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Trần Văn Quang, đến thời điểm này, trên địa bàn Đồng Nai đã xuất hiện 4 ổ dịch ASF tại 4 xã của huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Tại 2 huyện này, chính quyền xác định vùng bị uy hiếp trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch và vùng giám sát dịch bệnh trong phạm vi toàn huyện.

Để ngăn chặn dịch, huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch đã lập nhiều chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm kiểm soát, ngăn chặn việc đưa heo từ trong vùng dịch ra bên ngoài và ngược lại. Tại 2 huyện này hiện đã tạm ngưng hoạt động tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để tình trạng giết mổ trái phép. Trong vùng dịch uy hiếp, ngành chức năng thực hiện tiêu độc khử trùng mỗi ngày 1 lần, đối với vùng giám sát dịch là 3 ngày/lần.

Cũng theo ông Quang, hiện Đồng Nai đã thành lập 23 chốt kiểm dịch động vật cố định và tạm thời, các chốt này hoạt động 24/24, đảm bảo kiểm soát toàn bộ heo lưu thông trên địa bàn, ngăn chặn triệt để, không cho heo từ vùng dịch vận chuyển ra ngoài. Đối với trang trại chăn nuôi nằm trong vùng dịch nhưng đã được công nhận nhận an toàn dịch bệnh, khi xuất bán cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra huyết thanh, trường hợp âm tính với ASF và các bệnh khác thì mới được bán ra thị trường. “Dịch ASF ở Đồng Nai đã được bao vây, khống chế. Từ đầu tháng 5-2019 đến nay, Đồng Nai không xuất hiện thêm ổ dịch mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số tỉnh khác, trong thời gian 15 - 20 ngày, dịch ASF được khống chế, nhưng sau đó lại phát hiện ổ dịch mới. Cơ quan chức năng đang tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ, trường hợp phát hiện ổ dịch mới thì lập tức bao vây, xử lý triệt để”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Trần Văn Quang cho biết thêm.

Để hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch bệnh ASF, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ thiệt hại. Người chăn nuôi có heo phải tiêu hủy do dịch sẽ được hỗ trợ với 5 mức, cao nhất là 4,5 triệu đồng/con. Hiện các cấp chính quyền đang hoàn tất hồ sơ, chi tiền hỗ trợ cho người dân có heo bị tiêu huỷ. 

Tiêu hủy hơn 800 con heo bị nhiễm dịch ASF

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, hiện trên địa bàn có 4 xã đã ghi nhận có phát sinh ổ dịch ASF. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã thực hiện khẩn cấp các biện pháp bao vây, khống chế không để dịch lây lan. Tại các ổ dịch, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 805 con heo mắc bệnh ASF. Hiện các ổ dịch đã được khống chế, chưa ghi nhận phát sinh ổ dịch mới.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây