Đồng Nai là tỉnh có đông đồng bào có đạo, trong đó tín đồ Phật giáo chiếm 28,8% dân số. Những năm qua, các chức sắc, tăng, ni đã vận động đồng bào Phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, công tác an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chung tay vì người nghèo
Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh cho biết, phát huy truyền thống dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “từ bi cứu khổ” của đạo Phật, Ban Từ thiện xã hội GHPG tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm, tăng, ni, Phật tử ủng hộ trực tiếp hàng trăm tỷ đồng chăm lo cho người nghèo trong và ngoài tỉnh, gia đình chính sách; tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, góp quỹ khuyến học, khuyến tài từ đầu năm 2018 đến nay với tổng số tiền khoảng 80 tỷ đồng; đóng góp xây dựng và trao tặng nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật trong tỉnh và các tỉnh như Bình Dương, An Giang, Kiên Giang…
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các chức sắc, đồng bào Phật tử tham gia hoạt động thả cá giống lòng hồ Trị An.
Cũng theo Hòa thượng Thích Nhật Quang, nhiều cơ sở Phật giáo Ðồng Nai tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp hiệu quả vào công tác giảm nghèo, để lại tình cảm tốt đẹp trong đồng bào Phật tử và nhân dân. Tiêu biểu như Chùa Hoàng Ân, cơ sở Bảo trợ xã hội Hoa Sen Trắng, Chùa Viên Âm, Quan Âm tu viện…
Ni sư Huệ Tâm, Trụ trì Chùa Hoàng Ân cho hay, từ năm 2018 đến nay, Chùa Hoàng Ân đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các Phật tử trao tặng 47 xe lăn, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho 540 người, tặng quà cho hơn 350 gia đình nghèo, khó khăn trên địa bàn cùng nhiều hoạt động từ thiện khác với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.
Những đóng góp tích cực của các cơ sở Phật giáo và bà con Phật tử đã góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Thị Liễu cho biết, so với chuẩn nghèo của tỉnh, hiện toàn tỉnh còn 0,32% hộ nghèo. Năm 2018, Ðồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp Bằng ghi công hoàn thành việc xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột, nhà tạm cho người nghèo.
Đạo đời hòa hợp
Ngoài đóng góp tích cực trong chương trình giảm nghèo, Phật giáo Ðồng Nai còn tích cực hưởng ứng các chương trình bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các mô hình “rừng trong chùa”, “hỗ trợ thả cá giống ở lòng hồ Trị An”… đã trở thành hoạt động thường niên được nhiều cơ sở Phật giáo hưởng ứng. Theo Hòa thượng Thích Nhật Quang, các hoạt động này vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của người dân và chính các cơ sở tự viện, đồng bào Phật tử. Ðiều đó cho thấy, những người chân tu không tách rời giữa đạo và đời.
Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa) là một điển hình về mô hình “rừng trong chùa”. Ðại sư Thích Bửu Chánh, Trụ trì chùa cho rằng, với phương châm không sát sinh, không chặt cây rừng, tìm mọi biện pháp để xanh hóa đồi trọc nên từ khu đất trống, hiện nay Chùa Phước Sơn trở thành một khu “du lịch tâm linh và nơi vãn cảnh rừng ngay trong lòng thành phố”. Theo đại sư Thích Bửu Chánh, tất cả tăng, ni, Phật tử nơi đây không được phép chặt cây, chỉ trồng cây xanh, vườn hoa và nhiều loại cây làm đẹp môi trường nên hiện trong khuôn viên của Chùa Phước Sơn có trên 80% diện tích trồng cây xanh, hình thành khuôn viên giống như cánh rừng thu nhỏ trong chùa, có nhiều bóng mát, an lành để tăng, ni, Phật tử ở các am, cốc tĩnh tâm tu tập, vãn cảnh…
Cùng với trồng cây bảo vệ môi trường, đồng bào Phật tử trong tỉnh còn tham gia hoạt động thả cá giống tại lòng hồ Trị An do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động. Chỉ tính riêng đợt thả cá giống xuống lòng hồ Trị An hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới đã có trên 45.000 cá giống các loại, trị giá trên 155 triệu đồng được thả. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới cho hay, đây là hoạt động thiết thực mà đồng bào Phật tử trong tỉnh hưởng ứng nhằm phục hồi các loài thủy sản, cải tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái, nâng cao ý thức người dân trong đó có đồng bào Phật tử về bảo vệ, duy trì nguồn lợi thủy sản trong hồ.
Nhiều cơ sở nhà chùa, nơi thờ tự đã tổ chức các hoạt động khám sức khỏe, bốc thuốc, hỗ trợ người bệnh miễn phí. Theo đó, GHPG tỉnh thành lập Tuệ Tĩnh Ðường tại Chùa Ðức Quang (phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) chuyên khám và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Sư thầy Thích Quảng Trí, Chủ nhiệm Phòng khám Tuệ Tĩnh Ðường cho biết, nơi đây không chỉ miễn hoàn toàn tiền khám, thuốc chữa bệnh cho người nghèo mà còn hỗ trợ gạo, tiền hàng tháng cho một số trường hợp sau khi điều trị bệnh nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ðối với những trường hợp không thuộc diện nghèo thì đóng góp tùy tâm khi đến khám chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày Tuệ Tĩnh Ðường đón khoảng 100 - 120 bệnh nhân, có ngày cao điểm lên 500 người.
Ngoài ra còn có các cơ sở chữa trị miễn phí cho người nghèo như Tuệ Tĩnh Ðường Linh Chiếu (huyện Long Thành); Phòng chẩn trị y dược dân tộc chùa Pháp Hoa (huyện Long Thành); chi hội Chữ thập đỏ Quan âm tu viện (TP. Biên Hòa)…
Chùa Già Lam Thiện Sanh (TP. Biên Hòa) còn thành lập quán cơm tình thương để phục vụ nhân dân, bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và lao động nghèo. Sau 14 năm hoạt động, quán cơm của nhà chùa đã cung cấp trên 23.000 suất ăn miễn phí, phục vụ người nghèo, khó khăn…
Trưởng ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) Nguyễn Quốc Vũ nhận định: “Tăng, Ni và đồng bào Phật tử mà cụ thể là GHPG tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở tự viện đã tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội do tỉnh và MTTQ các cấp phát động, nhất là công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội. GHPG tỉnh còn động viên đồng bào Phật tử hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hăng say lao động, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Hoạt động Phật sự theo đường hướng của đạo Phật với phương châm “Ðạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, thực hiện tốt truyền thống Phật giáo “hộ quốc, an dân”.
Sáng 12-5, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16-2019 đã chính thức khai mạc tại Chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng của Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm và là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai, với 4.500 đại biểu tham dự. Vesak lần 16 có chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đoàn đại biểu GHPG tỉnh Đồng Nai gồm 15 vị do Thượng tọa Thích Huệ Khai, Phó ban thường trực, Ban Trị sự GHPG tỉnh làm trưởng đoàn tham dự lễ. Trước đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Tôn giáo đã tổ chức gặp mặt đoàn, mong muốn đoàn đóng góp tích cực vào thành công của Đại lễ.
Nguyệt Hà
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập