Đồng Nai hiện có 151 Khu nhà trọ (KNT) văn hóa hoạt động hiệu quả. Hầu hết các KNT văn hóa được công nhận đều có cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ khu nhà trọ văn hóa KP.8, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa giới thiệu tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy tại khu nhà trọ
Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ khu nhà trọ văn hóa KP.8, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa giới thiệu tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy tại khu nhà trọ
Riêng ở các huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán không có KNT văn hóa do các KNT có quy mô nhỏ dưới 10 phòng.
Người lao động yên tâm ở trọ…
Yên tĩnh, thoáng mát và an toàn là cảm nhận đầu tiên khi đến với KNT văn hóa của bà Nguyễn Thị Nhung (ở KP.8, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). KNT này có hơn 20 phòng (giá thuê 2 triệu đồng/phòng) với gần 50 người ở trọ, được xây dựng khép kín, trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy; đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác thải… Tất cả người lao động ở trọ được đăng ký tạm trú, đảm bảo quản lý chặt chẽ.
Bà Nhung cho biết: “Trước đây chưa có mô hình và các tiêu chí KNT văn hóa, KNT của tôi chưa lắp đặt hệ thống camera an ninh, các tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy. Từ khi tham gia mô hình, tình hình an ninh trật tự được cải thiện, KNT không còn xảy ra trộm cắp tài sản hay tệ nạn xã hội. Trước cổng ra vào KNT văn hóa đã treo bảng nội quy giờ giấc ra vào, dọn vệ sinh, tiết kiệm điện, nước; chúng tôi đã trang bị Wifi để người lao động truy cập internet. Nhờ vậy, người ở trọ yên tâm, gắn bó lâu dài với KNT”.
Có hơn 120 phòng trọ, thu hút khoảng 300 người thuê trọ, KNT của ông Lương Ngọc Nhẹ (ở ấp 5, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) nhiều năm liền duy trì và giữ vững danh hiệu KNT văn hóa. Hiện KNT của ông Nhẹ đã xây dựng tổ an ninh tự quản, trang bị được một tủ sách báo, cung cấp internet miễn phí, lắp đặt truyền hình cáp. Định kỳ hàng năm, KNT tham gia Ngày hội Vui cùng công nhân xa quê; Ngày hội Thanh niên công nhân; tham gia các liên hoan KNT văn hóa của huyện, của tỉnh… tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho người thuê trọ.
Ông Nhẹ chia sẻ: “Để tiếp tục duy trì mô hình, tôi cho rằng chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của công nhân thuê trọ. Định kỳ hàng quý tổ chức các chương trình tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho con em công nhân ở trọ học giỏi - sống tốt”.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tính đến cuối năm 2021, toàn H.Vĩnh Cửu có 17 KNT văn hóa được thành lập và duy trì. Chỉ riêng ở xã Thanh Phú đã có 15 mô hình. Anh Phạm Ngọc Hiệp, công chức văn hóa xã Thạnh Phú cho hay: “Mô hình KNT văn hóa được triển khai từ năm 2013 nhưng đến nay số lượng mô hình ở xã không tăng cao. Điều này đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có công tác tuyên truyền làm sao để chủ KNT hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia mô hình; tuyên truyền phải cụ thể hơn đối với từng đối tượng ở trọ. Tại các KNT văn hóa cần xây dựng thêm các tổ tự quản, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn dân cư”.
Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Trảng Bom Phạm Thị Bích Nhàn cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 24 KNT văn hóa (trong đó có 3 ký túc xá của các doanh nghiệp). Tại mỗi KNT văn hóa đã thành lập các chi đoàn KNT, chi hội thanh niên KNT, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động. Hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến cho việc tổ chức các hoạt động tại KNT văn hóa gặp nhiều khó khăn. Công tác cấp, phát sách, báo cho các ký túc xá, KNT văn hóa tuy được quan tâm nhưng vẫn ít hơn so với nhu cầu; kinh phí hỗ trợ cho các mô hình này còn nhiều hạn chế.