Vai trò của Hội trong bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ

Thứ sáu - 04/11/2022 15:39
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Để tổ chức Hội thực sự là điểm tựa của hội viên phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN tỉnh tổ chức giám sát tại UBND H.Tân Phú
Hội LHPN tỉnh tổ chức giám sát tại UBND H.Tân Phú

Tăng cường giám sát, phản biện xã hội
Theo bà Lê Thị Thái, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội chủ động phát hiện, lựa chọn các chủ đề giám sát gắn với quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, các vấn đề đang được xã hội quan tâm: môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính… Từ đó, các cấp hội đã lựa chọn giám sát nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo chất lượng hoạt động giám sát, hội LHPN các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám sát.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngoài hoạt động giám sát về phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em đối với UBND H.Tân Phú; giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Hội LHPN tỉnh, hội LHPN cấp huyện và cơ sở đã tổ chức 23 đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp tham gia trên 100 đoàn của HĐND, ủy ban MTTQ cùng cấp giám sát công tác xét đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cùng với công tác giám sát, hội LHPN các cấp còn tham gia góp ý, phản biện xã hội. Hội LHPN tỉnh đã tham gia góp ý 53 dự thảo văn bản của các ngành chức năng; thực hiện phản biện xã hội đối với 3 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh; đồng thời, gửi văn bản góp ý, phản biện xã hội 1 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Riêng hội LHPN các huyện, thành phố tham gia đóng góp ý kiến trên 66 văn bản; hội LHPN cơ sở tham gia đóng góp ý kiến trên 124 văn bản, dự thảo nghị quyết, kế hoạch, chương trình của cấp ủy, HĐND, UBND cùng cấp. Hầu hết các ý kiến đóng góp phù hợp với thực tiễn, mục tiêu bình đẳng giới, được cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp thu, thực hiện.
Hội cũng đã tham mưu ban hành quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với cán bộ, hội viên phụ nữ. Thông qua đối thoại, cán bộ, hội viên phụ nữ có cơ hội nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Một số ý kiến của cán bộ, hội viên phụ nữ đã được cấp ủy, chính quyền lắng nghe, xử lý kịp thời.
Chẳng hạn, 1 năm sau buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy (diễn ra năm 2020), từ các ý kiến phản ảnh, đề xuất cần phải có chế độ hỗ trợ thai sản với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố), HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ thai sản và chính sách thôi việc với đối tượng này, góp phần đảm bảo quyền lợi của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố), nhất là những người hoạt động không chuyên trách là nữ trong thời gian nghỉ thai sản.
Can thiệp các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em
Theo bà Lê Thị Thái, Hội LHPN các cấp còn hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ. Trong quá trình xử lý vụ việc, cán bộ được phân công tiến hành phân tích vụ việc, cung cấp kiến thức pháp luật về lĩnh vực cần tư vấn; hướng dẫn cho đương sự kỹ năng ứng xử phù hợp với pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó, đối với những vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; vụ việc có dấu hiệu vi phạm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em nhất là trong các vụ việc về bạo lực gia đình, xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, hôn nhân và gia đình; vụ việc đã được giải quyết nhưng chưa thỏa đáng… Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh ban hành văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật, đồng thời giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng. Từ đó, có kiến nghị xác đáng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân.
Chẳng hạn như trường hợp của bà N.T.H, ở TP.Biên Hòa bị chồng thường xuyên hành hung, đánh đập bạo lực gia đình đối với vợ. Vụ việc đã được bà trình báo và chính quyền đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sự việc vẫn tiếp tục tái diễn.
Khi nhận được đơn tố cáo của bà H, Hội LHPN tỉnh đã gửi văn bản đến Công an TP.Biên Hòa, Sở VH-TTDL, UBND TP.Biên Hòa, UBND phường nơi bà H cư trú. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đề nghị Sở VH-TTDL chỉ đạo ngành dọc ở địa phương vào cuộc giải quyết vụ việc, bảo vệ nạn nhân theo quy định của pháp luật… Kết quả, Công an phường đã hoàn tất hồ sơ gửi Công an TP.Biên Hòa xử lý hành vi bạo lực của chồng bà H. Bản thân bà H được Công an TP.Biên Hòa đưa đi giám định thương tích và ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Khánh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây