T
ết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bảo tàng tỉnh mở cửa miễn phí, đón khách tham quan đến du xuân, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà, nhất là tìm hiểu giá trị của bảo vật quốc gia (BVQG).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai năm 2022
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan bảo vật quốc gia Tượng thần Vishnu Bình Hòa trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai năm 2022
Hai bảo vật quốc gia…
Những ngày đầu xuân Qúy Mão 2022, Bảo tàng Đồng Nai đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan các hiện vật, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trong đó các BVQG. Hai BVQG của Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2021 gồm: Bộ sưu tập Qua đồng Long Giao và Tượng thần Vishnu Bình Hòa hiện được bảo quản, trưng bày, giới thiệu trực tiếp và giới thiệu thông qua số hóa 3D. Các video giới thiệu BVQG có độ phân giải cao giúp người xem chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những bảo vật này.
Nghiên cứu Qua đồng Long Giao (Đồng Nai) trong cuốn sách Đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng - Đồng Nai, PGS.TS Phạm Đức Mạnh cho rằng, nét đặc sắc nhất của Qua Long Giao không chỉ nằm ở hoa văn trang trí tỉ mĩ hơn đồng loại (dù chính hoa văn đã tạo ra cho nó trở thành một bộ sưu tập nghệ thuật thực sự), mà còn là sự hiện diện đa dạng các dáng lưỡi - những thể loại mang trong nó một thuộc tính ưu việt của vũ khí giáp chiến đánh xa. Ở đây, người cổ Đồng Nai đã phát triển lưỡi dài và cong vút như kiếm, kiếm ngắn, với hai rìa tác dụng sắc khỏe, mũi qua nhọn, đầu mũi xòe như lao hoặc vát như mã tấu.
Tượng thần Vishnu Bình Hòa là pho tượng được phát hiện cuối năm 1976 tại ấp Bình Hòa, Hóa An, TP.Biên Hòa. Đây là tượng thần Vishnu bằng đá sa thạch, được tạc theo quy cách tượng tròn, đầu đội mũ hình trụ, có 4 tay (cả 4 tay tượng đều bị gãy, chỉ còn lại phần dính liền thân). Thân quấn xăm-pốt dài gần đầu gối. Tượng thần Vishnu Bình Hòa về cơ thể học, về phong cách nghệ thuật có phần khá gần gũi với tượng Vishnu Toul Dai Boun, thuộc phong cách nghệ thuật Phuon Da muộn vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau công nguyên. Có thể nói, đây là sản phẩm nghệ thuật tượng tròn có niên đại vào loại sớm nhất ở đồng bằng Nam bộ, nó cũng là sản phẩm đẹp nhất trong các pho tượng đá thời bấy giờ.

Tượng Nam thần Bến Gỗ được lập hồ sơ, trình xét bảo vật quốc gia năm 2022 đang trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh
Tượng Nam thần Bến Gỗ được lập hồ sơ, trình xét bảo vật quốc gia năm 2022 đang trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh
Thêm nhiều hiện vật đang chờ xét công nhận
Cùng với Tượng thần Vishnu Bình Hòa và bộ sưu tập Qua đồng Long Giao đã được công nhận là BVQG, năm 2022 Đồng Nai đã lập hồ sơ, trình xét công nhận BVQG cho 2 hiện vật, bộ sưu tập gồm: Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa và Tượng Nam thần Bến Gỗ.
Nghiên cứu Văn hóa, văn vật Đồng Nai, TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho rằng, người cổ ở Đồng Nai là một trong những cư dân biết thưởng thức âm nhạc ở trình độ nhất định. Di chỉ Bình Đa (TP.Biên Hòa) khai quật năm 1979 là bằng chứng hùng hồn cho khả năng sáng tạo và sử dụng nhạc cụ truyền thống bấy giờ: đàn đá. Đàn đá Bình Đa có niên đại 3.180 ± 50 năm cách ngày nay.
“Kỹ thuật tạo ra các thanh đá là kỹ thuật ghè đẽo làm cho các thanh đá có độ dày mỏng khác nhau. Các hướng ghè đẽo, đục chỉnh thường từ các rìa cạnh đầu và thân hướng tâm, độ nông phổ biến khoảng 2-5mm với xu hướng sâu phía ngoài và cạn dần vào trong thân. Từ kỹ thuật này đã góp phần tạo những âm thanh vang ra khi gõ. Đây cũng được xem là một trong những loại nhạc cụ cổ của cư dân Đồng Nai - Nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung vào khoảng 1.230 năm trước công nguyên” - TS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn cho hay, năm 1988, Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Viện Khoa học xã hội TP.HCM tổ chức thám sát khảo cổ khu vực chùa Long Bửu, đình Phước Hội, xã Long Hưng, H.Long Thành (nay là xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) với 4 hố khai quật, phát hiện nhiều hiện vật gốm hình chóp, gạch, ngói, hũ sành, phù điêu và Tượng Nam thần phát hiện ở độ sâu 1m. Tượng được làm bằng đá cát màu xanh trắng, kết cấu cứng, không nhuyễn và chỉ được mài nhẵn nên bề ngoài không trơn láng, cao 114cm, tạo tư thế đứng thẳng trên bệ.
Ông Sơn chia sẻ: “Tượng Nam thần Bến Gỗ được xác định niên đại khoảng thế kỷ XI, thuộc giai đoạn hậu Óc Eo. Tượng phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân bản địa Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng, làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nơi có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ trong suốt quá trình lịch sử”.

Bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa được lập hồ sơ, trình xét bảo vật quốc gia năm 2022 đang trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh, thu hút người dân tham quan
Bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa được lập hồ sơ, trình xét bảo vật quốc gia năm 2022 đang trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh, thu hút người dân tham quan