Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn nước ngoài đã thông qua trao đổi trực tuyến, các thương vụ Việt Nam ở các nước để tìm nguồn cung sản phẩm gỗ tại Việt Nam. Qua đó, nhiều DN gỗ trong nước đã ký kết được hợp đồng mua bán với khách hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo Bộ NN-PTNT, trong quý I-2021, ngành gỗ Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao và trở thành một trong 6 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Sản xuất thùng gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Bùi Chấn Hưng (TP.Biên Hòa)
*Mong hợp tác với doanh nghiệp tại Việt Nam
Từ ngày 12 đến ngày 19-4-2021, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM. Hơn 400 đại diện của các DN mua hàng quốc tế, nhà sản xuất trong ngành chế biến gỗ đã tham gia sự kiện với hy vọng sẽ gỡ được nút thắt trong giao thương với các nước. Trên nền tảng công nghệ, Hawa đã hỗ trợ cho các DN trong ngành mô hình và cách thức tổ chức kết nối giao thương, ứng phó những thách thức mà Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, mở ra cơ hội để DN gỗ thúc đẩy doanh thu trong năm 2021, kết nối lâu dài với những thị trường tiềm năng và chủ lực.
Nhiều DN gỗ ở Đồng Nai cũng tham gia Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ nhằm giới thiệu sản phẩm gỗ đến các khách hàng nước ngoài. Đồng thời qua đó tìm được đối tác hợp tác cung ứng sản phẩm.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hawa cho biết: “Trong khu vực châu Á, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng của những nhà mua hàng quốc tế. Năm 2021, xu hướng tiêu dùng nội thất toàn cầu sẽ gia tăng cao nên quảng bá, kết nối với thị trường thế giới, DN sẽ có thêm cơ hội mở rộng xuất khẩu, cải thiện vị thế trên thị trường quốc tế”.
Cũng trong Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Kingfisher, Ikea, Ashley, Rowico, Target, Test Rite, Modus, Amazon...đã tham gia để tìm DN cung ứng sản phẩm gỗ tại Việt Nam.
*Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trên 33%
Ở Đồng Nai các DN ngành gỗ cũng kịp thời liên kết với các DN trong ngành tại các tỉnh thành khác để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Trong quý I-2021, các DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu được 446 triệu USD, tăng hơn 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Đồng Nai là Hoa Kỳ, chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Các DN ở Đồng Nai sử dụng tương đối hiệu quả giao thương trực tuyến để trao đổi, ký kết hợp tác với khách hàng nước ngoài nên đã nhận được nhiều đơn hàng lớn đến quý III, IV-2021.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm nặng nề, nhưng ngành gỗ trong nước vẫn phát triển ổn định và giữ được mức tăng trưởng khá là do DN đã có những nỗ lực, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Bộ Công thương, các Hiệp hội đã có những hỗ trợ kịp thời giúp các DN kết nối giao thương trực tuyến, không để bị đứt đoạn với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vi Quân