Đó là nhận xét của hội viên phụ nữ xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) khi nhắc đến chị Trương Thị Ngọc Hạnh, hiện là Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc).

Chị Trương Thị Ngọc Hạnh (thứ 2 từ trái sang) tham gia trưng bày sản phẩm
của hội viên phụ nữ xã tại Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xuân Phú. Lớn lên chị Hạnh lập gia đình và sinh sống tại ngôi nhà mà cha mẹ cho chị làm của hồi môn. Trải qua những năm tháng hôn nhân, chị nhận ra giữa chị và người bạn đời không có chung suy nghĩ, quan điểm sống. Là người mẹ của 2 đứa con trai, chị luôn mong con mình được lớn lên trong một gia đình hoàn hảo, nhận được tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ nên chị nhẫn nhịn. Thế nhưng, những điều chị mong muốn không kéo dài được lâu.
Theo lời kể của chị Hạnh, năm 1997, một người thân ruột thịt của chị gặp tai nạn và không lâu sau đó thì qua đời. Trong khoảng thời gian trước khi mất, người thân của chị được người dân cưu mang, giúp đỡ. Chị biết ơn những người đã giúp đỡ, cưu mang người thân của chị trong những ngày cuối đời. Và từ đó trong chị bắt đầu nhen nhóm ý tưởng làm việc thiện. Chị Hạnh bắt đầu kết nối những tấm lòng nhân ái để sẻ chia với những người khốn khó. Thấy chị còn khó khăn mà thích làm chuyện “bao đồng” nên mọi người trong gia đình, trong đó có người bạn đời của chị tỏ thái độ không vừa ý, thậm chí là dùng những lời lẽ để mỉa mai những việc chị đang làm.
Giai đoạn năm 2000-2005, chị tham gia công tác phụ nữ với vai trò tổ trưởng, chi hội trưởng, Phó chủ tịch Hội LHPN xã rồi Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Phú nhưng không may gặp phải sự cố. Người phụ nữ mong manh như chị vừa phải mưu sinh, vừa phải quán xuyến việc nhà, chăm sóc con nhỏ lại vừa giải quyết sự cố mà không hề nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ người bạn đời. Giống như giọt nước tràn ly, sự nhẫn nhịn của chị đã chạm đến giới hạn.
Năm 2005, chị quyết định ly thân với hy vọng chồng chị thay đổi. 8 năm chờ đợi không có kết quả, chị ly hôn. 3 mẹ con chị ra TP.Long Khánh ở trọ để thuận tiện cho việc học tập của con. Chị Hạnh chia sẻ, 2 đứa con trai đang tuổi ăn tuổi học, đồng lương làm Chủ tịch Hội LHPN xã không đủ trang trải chi phí nên đêm về chị nhận may quần áo kiếm thêm thu nhập. Sau khi con học xong THPT và lần lượt thi đỗ vào đại học, chị chuyển về xã Xuân Phú sinh sống. Từ đó đến nay, ngoài may quần áo, chị còn mở thêm cửa hàng tạp hóa, bán quần áo online, trồng cây ăn trái, chăn nuôi heo rừng… để kiếm thêm thu nhập lo cho các con ăn học.
2 con trai của chị thấy mẹ trải qua vất vả nên luôn nghe lời mẹ, chăm chỉ học hành. Con trai lớn của chị đã tốt nghiệp, làm việc tại TP.HCM và đang phụ giúp mẹ nuôi em trai học đại học tại TP.HCM.
Không chỉ vượt khó nuôi dạy con nên người, chị Hạnh còn được mọi người biết đến với vai trò “bà đỡ” của những mảnh đời bất hạnh. Chỉ cần ở đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ chị sẵn sàng kết nối với những người có tấm lòng nhân ái hỗ trợ. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay với mô hình Mỗi tháng một địa chỉ đã giúp đỡ trên 100 trường hợp ốm đau, tai nạn giao thông, chi phí mai táng…; xây dựng 5 mái ấm tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng một cây cầu dân sinh; tặng 50 chiếc xe lăn cho người khuyết tật; trao hàng chục chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế có những gia đình có người thường xuyên đau ốm. Vào các dịp lễ, tết nhóm của chị Hạnh đều vận động quà, bánh kẹo, sữa dể tặng trẻ em vùng đồng bào dân tộc, trẻ em nghèo, trẻ em cơ nhỡ và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Mới đây, nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào bị bão, lũ lụt miền Trung, chị Hạnh đã phối hợp vận động người dân chung tay gói và nấu 1,2 ngàn chiếc bánh chưng, bánh tét; vận động khoảng 1.000 phần quà gửi tặng đồng bào miền Trung ruột thịt. Hay như dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến cho một bộ phận người dân gặp khó khăn, chị Hạnh đã vận động nhu yếu phẩm hỗ trợ với tổng giá trị ước tính trên 700 triệu đồng.
Không chỉ hỗ trợ về vật chất, thông qua hoạt động của Đội nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc, chị còn giúp nhiều gia đình có cơ hội hàn gắn thông qua việc hòa giải các vụ bạo lực gia đình; cảm hóa, giáo dục nhiều trường hợp thanh thiếu niên chậm tiến…
Khánh Ngọc