(CTT-Đồng Nai) - Nhu cầu thế giới sụt giảm, các nhãn hãng lớn, tập đoàn quốc tế cũng tồn kho nhiều và giảm sản lượng đặt hàng gia công nên ngành sản xuất giày dép ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD như đã định.

Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành giày dép trên địa bàn tỉnh
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành giày dép trên địa bàn tỉnh
Xuất khẩu giảm do phụ thuộc nhu cầu thị trường thế giới
Các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã liên tục cắt giảm lao động, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng phải hết sức nỗ lực, linh hoạt, tìm đường thích ứng với những biến động của thị trường.
Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt gần 8,2 tỷ USD. Giày dép là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD nhưng vẫn giảm hơn 13,3% so với cùng kỳ 2022. Với Đồng Nai, xuất khẩu trong 5 tháng của năm nay đạt gần 1,7 tỷ USD, chỉ đạt khoảng 79,7% so với năm trước.
Xuất khẩu giảm phản ánh một thực tế là nhu cầu trên thế giới đang co hẹp lại sau khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do các tác động của lạm phát, xung đột thương mại thế giới kéo theo thu nhập giảm sút. Điều này khiến cho ngay cả các nhãn hàng lớn trên thế giới như Adidas, Nike...cũng có hàng tồn kho nhiều, từ đó giảm sản lượng đặt hàng từ các nhà máy sản xuất gia công trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ
Xuất khẩu giảm khiến cho nhiều DN, nhà sản xuất quy mô lớn có vốn đầu tư nước ngoài đã liên tục cắt giảm lao động. Từ đầu tháng 2, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP.HCM) đã phải cắt giảm hàng ngàn lao động. Dù DN đã cố gắng sắp xếp, nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng, đơn hàng sắp tới cũng không dự báo được, buộc phải cho giải thể một số dây chuyền sản xuất. Trong tháng 4 vừa qua PouYuen Việt Nam lại tiếp tục cắt giảm thêm số lượng nhân sự lớn nữa. Sự suy giảm của PouYuen Việt Nam là thông tin buồn với ngành da giày xuất khẩu trong năm 2023. Bởi đây là doanh nghiệp FDI đầu tàu trong khối sản xuất của ngành giày dép, đóng góp doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ USD.
Không chỉ PouYuen gặp khó, ngay tại Đồng Nai, nhiều đơn vị trong ngành thời trang, giày dép lớn có vốn đầu tư nước ngoài như Taekwang Vina, Changshin, Pouchen... cũng đã buộc phải điều tiết lại sản xuất, thậm chí giảm số lượng lao động nhất định do thiếu đơn hàng. DN FDI quy mô lớn khó khăn, các DN, nhãn hàng nội địa cũng gặp khó khi sức mua giảm.
Theo các DN trong điều kiện khó lấy được đơn hàng như hiện nay cần có giải pháp tập trung cho các giải pháp trung hạn và dài hạn, còn trong ngắn hạn cần ưu tiên giảm bớt khó khăn cho DN để duy trì hoạt động bởi tổng cầu của thị trường thế giới đang rất yếu trong hiện tại. Bên cạnh đó cần giảm lãi suất ngân hàng, giảm chi phí về logistic, đặc biệt là chi phí cầu cảng, hoàn thuế VAT, thuế đất....trong giai đoạn hiện nay.