Không chỉ tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp, dịch vụ mà Đồng Nai còn là địa phương hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước, điều đó tạo điều kiện cho các mô hình khởi nghiệp, doanh nghiệp (DN) khởi phát và đi đến thành công. Thời gian qua ngày càng có nhiều cá nhân mạnh dạn dấn thân khởi nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên kinh nghiệm từ những người đi trước, đây là lĩnh vực mà ý tưởng và lòng đam mê thôi vẫn chưa đủ, cần phải tính đường dài.
Sản phẩm chế biến từ nông nghiệp tham gia một cuộc thi khởi nghiệp do Sở Khoa học công nghệ tổ chức
Chất lượng và uy tín bảo hộ cho sự thành công
Công ty cổ phần thực phẩm G.C (G.C Food) được biết tới là một nhà sản xuất sản phẩm nha đam lớn nhất Việt Nam, một DN đầu tư vào nông nghiệp thành công tiêu biểu từ Đồng Nai. Thành lập năm 2011 sản xuất, bán buôn các sản phẩm từ nông sản như: nha đam, dừa, nho, táo, dưa lưới... G.C Food hiện có 2 nhà máy, một tại Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai, huyện Trảng Bom và một tại KCN Thành Hải, tỉnh Ninh Thuận cùng hệ thống trang trại của mình. Ngoài các khách hàng lớn trong nước như: Vinamilk, NutiFood, TH True Milk... thì G.C Food đã xuất sản phẩm sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ.
Theo ông Thứ, để có thể phát triển bền vững thì DN phải tính toán chiến lược lâu dài, thành công ban đầu không là chỉ dấu cho thành công ở giai đoạn tiếp theo nếu DN không có hướng đi đúng. Trong đó, uy tín và chất lượng sản phẩm là cốt lõi. Sản phẩm nông nghiệp Việt chất lượng cao, đẳng cấp khi đã vào được các thị trường tiên tiến quốc gia trên sẽ dễ dàng hơn khi xuất qua những nước khác. Muốn vươn ra biển lớn, các DN phải liên kết sản xuất mới đủ sức đáp ứng các đơn hàng lớn.
Không đi theo hướng đầu tư vào chế biến nhưng bà Đặng Thị Thuý Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) lại ấp ủ mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lớn cho mặt hàng cây trái địa phương. Người nữ giám đốc HTX năng động này không ngại khó khăn học tập kinh nghiệm từ các HTX làm ăn hiệu quả; bỏ công, bỏ của tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại... Mong muốn của bà Nga là quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Xuân Định, trong đó có đặc sản trái sầu riêng.
Tương tự, nhiều doanh nhân khác của Đồng Nai cũng đã và đang dấn thân vào đầu tư cho vùng nông nghiệp, nông thôn, dù là DN “cha truyền con nối” như Đặng Tường Khâm, Đặng Tường Khanh của thương hiệu ca cao Trọng Đức hay các nhà khởi nghiệp sau này, việc xác định “đường dài” trong nông nghiệp là quá trình rất khó khăn nhưng khi gặt hái được quả ngọt thì sẽ bền vững.
Cởi bỏ các nút thắt để thu hút đầu tư, khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam thì Đồng Nai là địa phương có tiềm năng lớn để dấn thân vào khởi nghiệp, phát triển các dịch vụ kinh tế liên quan đến nông nghiệp. Đồng Nai hiện có trên 1,7 ngàn trang trại, nhìn chung, hoạt động của các trang trại có hiệu quả cao, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn hạn chế do phần lớn trang trại là hộ gia đình. Trong khi đó, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị cho nông sản là bài toán dài hơi. Muốn đạt hiệu quả cao phải chủ động thay đổi tập quán sản xuất cũ, ứng dụng các giải pháp công nghệ để làm ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Với địa phương và DN thì phải xây dựng được hệ sinh thái sản xuất mới đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu.
Theo các DN, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành nông nghiệp tuy không thiếu nhưng thường vẫn còn độ “chênh” đáng kể khi áp dụng vào thực tế nên hiệu quả chưa như mong muốn. Trong đó, vấn đề thủ tục hành chính còn phức tạp cũng khiến nhiều DN e dè khi tiếp cận.
Để khắc phục những hạn chế, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào kĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Đồng Nai gần đây đã có những động thái mạnh mẽ hơn để hỗ trợ DN khởi nghiệp. Trong đó đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025 với nhiều nội dung như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST... Những tiếp cận mới này từ phía địa phương được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút, thúc đẩy ngày càng nhiều cá nhân, DN mạnh dạn đầu tư vào khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nam Vũ