Phát triển ngành mũi nhọn nuôi trồng thủy sản

Thứ hai - 05/07/2021 10:34
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Ngành nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Đây cũng là ngành thế mạnh Đồng Nai đang tập trung phát triển trong thời gian tới gắn với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5.7-H2 Phát triển ngành mũi nhọn nuôi trồng thủy sản.jpg
Vùng nuôi cá nước ngọt theo chuẩn VietGAP tại xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Phan Anh
Trong giai đoạn mới, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực hứa hẹn mang đến những cơ hội mới về thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản.
Giàu tiềm năng phát triển
Thời gian qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ao, hồ trên địa bàn tỉnh đạt gần 8,8 ngàn ha. Trong đó diện tích nuôi cá trên 6,7 ngàn ha; diện tích nuôi tôm trên 2 ngàn ha. Các vùng nuôi thủy sản của tỉnh cũng khá đa dạng gồm: nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi thủy sản nước lợ…
Từ đầu năm đến nay, người nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt mặt hàng tôm, cá rớt giá do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giá sản phẩm bán ra thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí đầu vào khác đều tăng càng chồng thêm gánh nặng cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn thuộc tốp đầu về mức tăng trưởng so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 29 ngàn tấn, tăng trên 1 ngàn tấn, tăng hơn 3,6% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá chiếm tỷ trọng lớn với hơn 25,3 ngàn tấn, tôm đạt trên 3,2 ngàn tấn…
Nông dân cũng có nhiều mô hình hay trong đầu tư phát triển trong nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn Khải nông dân tại xã Phú Điền (H.Tân Phú) chia sẻ, gia đình ông vừa mở rộng diện tích nuôi cá trên phần đất canh tác lúa theo mô hình mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ cá đồng. Vụ thu hoạch vừa qua, giá cá nước ngọt có giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm nhưng gia đình ông vẫn có lợi nhuận cả trăm triệu/ha lúa/vụ thu hoạch. Ông Khải so sánh: “Mô hình nuôi cá xen canh trong ruộng lúa cho thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với chỉ làm lúa. Nuôi cá giúp đất ruộng phì nhiêu hơn nên lúa có năng suất cao. Cá nuôi trong ruộng tận dụng nguồn thức ăn sẵn như gốc rạ sau gặt nảy mầm cùng những rơm rạ, cỏ dại... nên tiết kiệm được chi phí thức ăn”.
Sản xuất theo hướng chuyên canh
5.7-H1 Phát triển ngành mũi nhọn nuôi trồng thủy sản.jpg
Người dân nuôi cá bè tại H.Định Quán thu hoạch cá. Ảnh: Phan Anh
Đồng Nai đang triển khai nhiều đề án phát triển đa dạng các vùng chuyên canh nuôi thủy sản nước ngọt theo quy trình VietGAP; ứng dụng công nghệ cao phát triển các vùng nuôi tôm nước lợ theo quy trình an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng thương hiệu bằng uy tín chất lượng. Trong giai đoạn tới, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được định hướng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ mới, chuyển từ thâm canh truyền thống sang cơ giới hóa và dần chuyển sang tự động hóa, hình thành các vùng nuôi chuyên canh..
H.Nhơn Trạch là vùng nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh. Thời kỳ cao điểm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện có khi lên đến hơn 2,2 ngàn ha, chủ yếu là nuôi tôm nước lợ. Người dân nuôi tôm ở Nhơn Trạch cũng đang chuyển hướng từ nuôi quảng canh sang ứng dụng công nghệ cao nuôi theo hướng thâm canh, năng suất cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống.
Ông Huỳnh Văn Ba, nông dân nuôi tôm tại xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch nhận xét, trước đây, nuôi tôm theo cách quảng canh, 1 năm chỉ nuôi 1 vụ, năng suất thu hoạch thấp. Hiện nay nhiều nông dân chuyển sang nuôi thâm canh 1 năm 2-3 vụ nuôi. Phổ biến nhất hiện nay là thay đổi từ nuôi ao đất sang ứng dụng công nghệ mới lót vải bạt, phủ lưới cho ao nuôi với quy trình an toàn sinh học từ việc xử lý nguồn nước đầu vào; vệ sinh ao nuôi thường xuyên và chọn lọc con giống tốt... Theo đó, người nuôi kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh, năng suất, chất lượng con tôm nuôi cũng đạt hơn.
Nói về tiềm năng phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản, nhất là cơ hội về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Lê Trần Bá Thông, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX (KCN Lộc An, H.Long Thành) đánh giá, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ rất tốt cho các nhà đầu tư trong phát triển chăn nuôi, trong đó có thủy sản. Lĩnh vực thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, thuộc tốp đầu thế giới. Tiềm năng xuất khẩu con tôm Việt Nam còn rất lớn. Đồng Nai lại có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là về con tôm, trong đó, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch là những vùng nuôi rất tốt.  Ngoài đầu tư nhà máy chế biến thức ăn cho tôm, doanh nghiệp sẽ đầu tư các farm nuôi tôm trình diễn làm mô hình điểm theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn đến hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm.
Phan Anh 
Với mục tiêu hình thành được những vùng chuyên canh nuôi thủy sản theo hướng an toàn, Đồng Nai đã có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 14 vùng nuôi thủy sản đạt chuẩn VietGAP với diện tích trên 408 ha và gần 81 ngàn m3 bè. Tổng sản lượng thủy sản VietGAP đạt gần 15,7 ngàn tấn. Ngoài ra, nhiều chương trình hỗ trợ HTX, các vùng nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP đang được triển khai.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây