Ngày 16-5, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nông Văn Dũng và Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cùng chủ trì hội nghị.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến lần này gồm 17 chương, 221 điều. Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, đây là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Lao động với mục tiêu sửa đổi, bổ sung 10 nhóm chính sách lớn, trong đó có một số nội dung lớn và nhạy cảm có tác động sâu rộng đến đông đảo NLĐ, người làm công hưởng lương, được cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác thương mại quốc tế và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về 10 nhóm nội dung cơ bản gồm: hợp đồng lao động và mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ; mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm tối đa; vấn đề tiền lương của NLĐ; vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ; vấn đề thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động và đình công; tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; những quy định riêng đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới; thời gian nghỉ Tết âm lịch và bổ sung 1 ngày nghỉ lễ (ngày Thương binh liệt sĩ 27-7) và một số vấn đề khác. Trong đó, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thời giờ làm thêm của NLĐ được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến nhiều nhất.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý đề nghị, trong thời gian tới, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các Công đoàn cơ sở thuộc LĐLĐ tỉnh, ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh thông tin rộng rãi đến cán bộ Công đoàn các cấp, đoàn viên, NLĐ về nội dung dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) (đã được đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ, Bộ Lao động,-thương binh và xã hội) để biết, cập nhật, nghiên cứu và tham gia đóng góp ý kiến. Cùng với đó, triển khai lấy kiến cán bộ Công đoàn các cấp, đoàn viên, NLĐ thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến trực tiếp… về nội dung dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Quá trình lấy ý kiến cần được tổ chức rộng rãi, đảm bảo sự tham gia của đông đảo NLĐ; các ý kiến tổng hợp cần phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đa số NLĐ. Trong đó, cần tập trung vào 10 nhóm nội dung cơ bản như đã nêu trên.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh, trong quá trình lấy ý kiến NLĐ và cán bộ Công đoàn cơ sở về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), cần nắm chắc tình hình tư tưởng và phản ứng của đoàn viên, NLĐ, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo. Theo dõi sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đóng chân trong các khu công nghiệp. Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn để kịp thời giải quyết, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Sở LĐ-TBXH tổ chức các hội nghị, tiếp xúc cử tri chuyên đề để tiếp thu những phản ánh, ý kiến đóng góp của cán bộ, đoàn viên Công đoàn và NLĐ đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
H.Thảo
Tác giả: Hồ Thị Thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập