Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn vừa có buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Các nhóm trẻ phải “lên” trường
Trên địa bàn huyện Nhơn Trạch hiện có 9 khu công nghiệp với lực lượng công nhân lao động trẻ khá đông. Do đó, nhu cầu trường mầm non cho con em công nhân cũng không ngừng tăng lên. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh”, huyện Nhơn Trạch đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa giáo dục. Trong đó, một số doanh nghiệp đã tài trợ xây phòng học và các phòng chức năng như: Công ty Hwaseung Vina và Công ty Eclat tài trợ xây Trường mầm non Phước Hiệp, Trường mầm non Phước Long với số tiền gần 10 tỷ đồng; Công ty điện lực dầu khí Nhơn Trạch tài trợ 4 tỷ đồng xây dựng Trường mầm non Phước An…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về giáo dục mầm non tại huyện Nhơn Trạch.
Đến nay, ngoài 17 trường công lập, huyện Nhơn Trạch còn có 9 trường mầm non và 95 nhóm trẻ mầm non ngoài công lập. Số lượng cơ sở mầm non ngoài công lập không ngừng tăng lên đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay huyện Nhơn Trạch vẫn chưa thực hiện được chỉ tiêu “lên trường” cho các nhóm trẻ.
Cũng như nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, khó khăn mà huyện Nhơn Trạch gặp phải trong quá trình nâng cấp nhóm trẻ lên trường là do vướng thủ tục hành chính (chủ yếu là thủ tục đất đai). Bên cạnh đó, nhiều chủ nhóm trẻ không muốn lên trường vì điều kiện hoạt động của trường nghiêm ngặt hơn nhóm trẻ. Chẳng hạn, việc cấp phép hoạt động của nhóm trẻ do UBND phường, xã phụ trách, trong khi việc cấp phép hoạt động của trường là do Phòng GD-ĐT phụ trách; trường học phải có hiệu trưởng được đào tạo chuyên môn về Quản lý giáo dục…
Chia sẻ với những khó khăn của địa phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều trường mầm non do các doanh nghiệp FDI xây dựng để phục vụ cho chính con em công nhân đang làm việc tại công ty như: Trường mầm non Dona Standard ở huyện Xuân Lộc, Trường mầm non Đông Phương ở huyện Trảng Bom, Trường mầm non Thái Quang ở TP. Biên Hòa…Hình thức xã hội hóa này có rất nhiều ưu điểm: doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng trường, tự quản lý nhân lực, công nhân được hỗ trợ tiền học phí, Phòng GD-ĐT chỉ hỗ trợ về chuyên môn... Huyện Nhơn Trạch có thể học tập kinh nghiệm kêu gọi xã hội hóa giáo dục theo hình thức này của các huyện và TP. Biên Hòa để thực hiện tại địa phương.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn nêu rõ: Sự ra đời của các nhóm trẻ độc lập tư thục đã góp phần giải quyết nơi gửi trẻ cho công nhân lao động yên tâm làm việc. Tuy vậy, việc phát triển giáo dục phải tính đến chất lượng và sự bền vững. Theo đó, cần tiến tới xóa bỏ hình thức hoạt động của các nhóm trẻ bằng cách yêu cầu những nhóm trẻ này thành lập trường. Công việc này cần được các cấp quản lý thường xuyên kiểm tra, đồng thời hướng dẫn để chủ cơ sở thực hiện đúng quy định.
Đối với những khó khăn về thủ tục đất đai, ông Phạm Ngọc Tuấn đề nghị UBND tỉnh cần có văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục một cách thống nhất để các địa phương cùng thực hiện; tạo thuận lợi cho người dân trong việc chuyển từ nhóm trẻ lên trường.
Rà soát để hỗ trợ các nhóm trẻ ngoài công lập
Từ năm 2015, huyện Nhơn Trạch bắt đầu triển khai chương trình Sữa học đường. Ngoài các trường mầm non, tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 3) công lập, các trường và nhóm trẻ ngoài công lập đã được cấp phép hoạt động cũng được tham gia đề án này. Tỷ lệ trẻ tham gia uống sữa học đường tăng theo từng năm. Hiện nay, tỷ lệ trẻ tham gia uống sữa học đường đạt hơn 97%.
Để thực hiện tốt đề án, bên cạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, Phòng GD-ĐT huyện Nhơn Trạch còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, mỗi năm học, Phòng GD-ĐT huyện tổ chức 7 đợt kiểm tra, mỗi đợt kéo dài 4 ngày và thực hiện tại gần 100 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
Tháng 12-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 101/2017/NQ-HĐND quy định việc hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo Nghị quyết này, các nhóm trẻ tư thục đã được cấp phép, đáp ứng đủ các điều kiện như: có quy mô từ 20 - 50 trẻ, có 100% học sinh là con em công nhân, có 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ… sẽ được xem xét hỗ trợ trang bị đồ dùng, đồ chơi (tối đa 41,8 triệu đồng); xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh (tối đa 40 triệu đồng); xây dựng, sửa chữa bếp ăn (tối đa 18 triệu đồng).
Hiện nay, Phòng GD-ĐT huyện Nhơn Trạch đang tiến hành rà soát, khảo sát để lập danh sách các nhóm trẻ đủ điều kiện nhận hỗ trợ trình Sở GD-ĐT.
Trước khi thực hiện giám sát tại Phòng GD-ĐT huyện, đoàn công tác đã đến thăm Nhóm trẻ mầm non Phước Sang (xã Hiệp Phước) và Trường mầm non Ánh Dương (xã Phú Hội). Tại đây, đoàn đã nắm bắt thông tin, việc thực hiện chính sách của tỉnh liên quan đến hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; khảo sát điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng - đồ chơi, thực đơn bữa ăn cho trẻ, việc tổ chức uống sữa học đường…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn đã nhắc nhở, lưu ý đối với các cơ sở và Phòng GD-ĐT huyện trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đặc biệt, Nghị quyết về hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ban hành đến nay đã hơn 1 năm nhưng huyện Nhơn Trạch vẫn chưa lập được danh sách. Vì vậy, Phòng GD-ĐT huyện cần sớm khảo sát thực tế để hỗ trợ các nhóm trẻ có đủ điều kiện như yêu cầu.
Nhiều nghị quyết trong lĩnh vực giáo dục mầm non
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giáo dục mầm non, HĐND tỉnh đã có 3 nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 147/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết số 99/2013/NQ-HĐND về đề án sữa học đường giai đoạn 2014 - 2020, Nghị quyết số 101/2017 ngày 8-12-2017 về việc quy định hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Việc giám sát tình hình thực hiện nghị quyết là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện nhằm có giải pháp triển khai phù hợp trong thời gian tới.
H.Yến
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập